Theo Viện Pasteur TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh, thành phía nam có hơn 25.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca tử vong giảm 31 ca và tỷ suất chết/mắc giảm 78%. So với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 thì tỷ suất chết/mắc giảm 30%.
Tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay đã có 8.485 ca mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Hiện tại, các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 109 ca, trong đó có 60 ca là người lớn. Trong số này có 14 ca nặng (6 ca có địa chỉ tại TP.HCM), 1 ca đang thở máy xâm lấn.
Đối với dịch bệnh tay chân miệng, từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh, thành phía nam đã có hơn 11.000 ca mắc và 7 ca tử vong.
Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay cũng đã có 3.432 ca mắc tay chân miệng. Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang điều trị 184 ca, 100% số ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi. Trong số này có 16 ca nặng (8 ca tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 ca tại Bệnh viện Nhi đồng 2, 6 ca tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), trong đó có 1 ca có địa chỉ tại TP.HCM.
Xem nhanh 12h ngày 24.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
Tại cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phía nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có trường hợp tử vong.
Để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, giảm nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết, tay chân mệng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch một cách chủ động.