Chiều 22/5, bị cáo Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí – Sở GD&ĐT Sơn La) bất ngờ phủ nhận hành vi “Nhận hối lộ” 1 tỷ đồng và đề nghị HĐXX tuyên trả số tiền trên đã nộp trước đó cho cơ quan điều tra.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La tiếp tục phần xét hỏi. Hội đồng xét xử (HĐXX) dành nhiều thời gian hỏi các bị cáo và nhiều người làm chứng để làm rõ hành vi nhờ nâng điểm hay xem điểm, đưa nhận hối lộ.
Đề nghị trả lại 1 tỉ đồng
Báo Tuổi Trẻ nghi nhận tại phiên tòa, bị cáo Lò Văn Huynh phủ nhận việc bị cáo đã nhận 1 tỷ đồng từ thượng tá Nguyễn Minh Khoa (Cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh Sơn La) để nâng điểm cho 4 thí sinh (TS) đủ điểm vào trường công an.
Ông Huynh khai tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 10/2019, bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng do “nhận thức chưa đầy đủ nên thừa nhận cho xong chuyện”.
Tuy nhiên, sau khi vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, ông Huynh thay đổi lời khai, khẳng định không nhận 1 tỷ từ cựu cán bộ công an Nguyễn Minh Khoa.
“Sau khi điều tra lại, bị cáo nghĩ khai đúng sự thật sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ”, Lò Văn Huynh nói và đề nghị HĐXX xem xét trả lại số tiền này cho gia đình. Còn cáo buộc nhận 300 triệu từ Lò Thị Trường để nâng điểm cho con trai bà này, bị cáo Huynh đã thừa nhận.
Vậy số tiền 1 tỷ mà gia đình bị cáo giao nộp cho cơ quan điều tra có nguồn gốc từ đâu? Trả lời chủ tọa, Lò Văn Huynh khai đó là tiền tiết kiệm của gia đình và tiền bán mảnh đất ở quê. Trước khi bị bắt, Huynh đã cho em vợ là Lê Thanh Sơn vay.
Được gọi đối chất tại tòa, ông Sơn đồng tình với lời khai của Lò Văn Huynh và khẳng định thời gian vay tiền của anh rể là vào năm 2018. Sau khi vay, ông Sơn đã trích ra 380 triệu để trả nợ.
Theo trình bày của ông Sơn, khi Lò Văn Huynh bị bắt do liên quan vụ gian lận điểm thi, ông bị triệu tập nên biết đó khoản tiền liên quan vụ án. Sau đó, vì thương anh vợ nên ông Sơn đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra để giúp anh Huynh khắc phục hậu quả.
Sau khi nghe Lò Văn Huynh phủ nhận 1 tỷ là tiền hối lộ, ông Lê Thanh Sơn cũng bày tỏ mong muốn tòa tuyên trả lại số tiền này.
Cáo trạng trước đó xác định bị cáo Huynh là phó ban chấm thi đã thỏa thuận, nhận 1,3 tỉ đồng từ Trường và Khoa để nâng điểm cho 4 thí sinh.
Khi sự việc vỡ lở, ông Khoa yêu cầu Huynh đưa lại 1 tỉ đồng để trả lại cho gia đình các thí sinh. Huynh sau đó đưa 1 tỉ đồng cho Lê Thanh Sơn (em vợ) để nhờ gửi lại cho Khoa, nhưng sau đó Sơn đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.
Hành vi của Huynh bị cáo buộc phạm tội “nhận hối lộ”. Do số tiền từ hơn 1 tỉ đồng, khung hình phạt với bị cáo này lên tới án tử hình.
Nộp cả tỉ đồng nhưng không ai nhận là chủ
Nguyễn Thị Hồng Nga khai sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, Trần Văn Điện có đến nhà đưa 1,04 tỉ đồng và nói rõ đây là số tiền do gia đình bốn TS được nâng điểm cám ơn. Nga và người thân đã giao nộp 1 tỉ đồng cho CQĐT.
Thế nhưng Điện tiếp tục bác bỏ. “Bị cáo chỉ vào nhà, đứng chơi và nói chuyện” – Điện thanh minh về lời khai của Nga. Có mặt tại tòa, phụ huynh bốn TS trên cũng khẳng định không hề hứa hẹn, trao đổi vật chất gì với Điện.
Đáng chú ý, Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu) khai nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu), Bùi Thị Xuân (cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng) và Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên Trường THPT Tô Hiệu) thông tin của bốn TS.
Khi gửi, những người này nhờ Thủy xem giúp điểm nhưng vì “hiểu sai ý” nên Thủy can thiệp vào bài thi, nâng điểm luôn.
Sau đó, Thủy được bà Kim đưa 150 triệu đồng, bà Hà 150 triệu đồng, bà Xuyên 200 triệu đồng và bà Xuân hứa sẽ đưa 270 triệu đồng. Hiện Thủy đã trả lại toàn bộ số tiền trên cho gia đình các TS.
Trái với lời khai của Thủy, tại CQĐT cũng như tòa, bốn phụ nữ đều không thừa nhận việc hứa hẹn, đưa tiền cho Thủy. Do đó, cơ quan tố tụng kết luận không đủ căn cứ quy kết Thủy về tội nhận hối lộ.
Theo cáo buộc, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy được phân công chấm thi.
Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn là 2 cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an Sơn La được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng chứa bài thi và giữ chìa khóa cửa ra vào nơi này.
Với động cơ vụ lợi, các bị cáo trên thông qua mối quan hệ, cấu kết với nhau để nhận thông tin của 44 thí sinh nhằm sửa nâng điểm.
Quá trình làm việc, các bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga và Cầm Thị Bun Sọn đã nhận gần 2,8 tỷ đồng để thỏa thuận nâng điểm cho các thí sinh.
The post Sơn La: Cựu trưởng Phòng khảo thí đòi lại 1 tỷ đồng từ cơ quan điều tra appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
Xem thêm: lmth.art-ueid-nauq-oc-ut-gnod-yt-1-ial-iod-iht-oahk-gnohp-gnourt-uuc-al-nos/us-ioht/vt.nkd.www