Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về việc bổ sung quy định phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh, dữ liệu điện tử.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, do dự thảo bổ sung quy định, “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, có nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh, dữ liệu điện tử” nên đang có hai loại ý kiến.
Hai bên tranh luận việc VKSNDTC có được bổ sung thêm chức năng giám định âm thanh, hình ảnh
Nhóm đại biểu tán thành cho rằng đề xuất trên sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về giám định âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đầu năm 2020, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc này ngày càng tăng. Từ trước đến nay chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm, dẫn đến quá tải. Thời gian trung bình mỗi vụ giám định từ 2 đến 3 tháng, có vụ 5 tháng mới ra kết luận, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.
Quan điểm không đồng tình với đề xuất này, phản bác rằng VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp giám định sẽ “khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế”, theo VnExpress.
Theo bà Nga, Chính phủ đã cân nhắc kỹ đề xuất trên, dựa vào thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đá ứng yêu cầu cấp thiết trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp. Quy định này cũng không làm tăng biên chế ngành kiểm sát. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định này trong dự thảo luật.
Sau trình bày trên, thảo luận về việc này, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Uỷ ban Quốc phòng An ninh) không tán thành đề xuất vì “đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao về kinh nghiệm”.
“VKS vừa thực hiện quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định thì liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh?”, bà Xuân nêu quan điểm và cho rằng quy định này làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng giám định viên.
“Liệu tổ chức này có phình ra thêm ở VKS cấp tỉnh, huyện hay không?”, bà nói.
Đồng tình quan điểm trên, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Uỷ ban Quốc phòng An ninh) cho rằng, nếu vì lý do các phòng giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an quá tải thì nên lập thêm tổ chức giám định trong công an các địa phương. Ông cũng khẳng định, lý do kéo dài các vụ án có nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ phụ thuộc vào kết quả giám định.
Vụ nữ công an bỏ ma túy vào cốp xe, giám định cơ quan khác mới ra
Tranh luận lại với hai ý kiến trên, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, câu chuyện ở đây không phải là quá tải, mà là để tránh oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử. Vì thế, việc bổ sung cơ quan giám định VKSNDTC là xuất phát từ yêu cầu này.
Thực tiễn trong hoạt động tư pháp, ông Bộ cho biết, từng có câu chuyện lịch sử là vụ việc Tùng Dương ở Cầu Chương Dương, nhiều lần giám định của công an không ra. Chỉ đến khi giao giám định quân đội mới ra. “Việc bổ sung quy định cho VKSND Tối cao là để thực hiện yêu cầu cao nhất, chống oan sai, chứ không thể nói quá tải hay không quá tải”, ông Bộ nhấn mạnh.
Tranh luận lại Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) cho biết: “Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mà tôi có trong tay đây thì trong 8 năm từ năm 2012 đến giờ, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, trung bình một năm chỉ có 8 việc thôi.
Không đồng tình với ông Cầu, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng bổ sung quy định này là cần thiết. “Thực tế vừa rồi xảy ra vụ nữ công an bỏ ma túy vào cốp xe. Lúc đầu cơ quan giám định của công an kết luận không có căn cứ, sau đưa sang một cơ quan giám định độc lập khác thì kết luận có căn cứ”, đại biểu Nguyễn Quang Dũng nói, theo Tiền Phong.
Trao đổi với RFA vào tối 21/5, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng đề xuất bổ sung vào Luật Giám định Hình sự trao cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chức năng thực hiện ghi hình chụp ảnh trong quá trình thẩm vấn nghi can là một tiến bộ, ít nhất là trong khuôn khổ luật pháp hiện nay.
“Nếu thực hiện được chuyện đó thì cũng bớt chuyện lạm quyền, lạm dụng vũ lực mà trong Bộ luật Hình sự người ta gọi là tội ‘dùng nhục hình’. Chỉ sợ rằng không thực hiện được vì vấn đề này đã họp bàn từ lâu, Quốc hội cũng đã thông qua nhưng Bộ Công an gãi đầu gãi tai kêu khó, không có kinh phí. Việc đó làm cho tình trạng lạm dụng tra tấn khi giam giữ, dẫn đến oan sai rất nhiều của Việt Nam mà điển hình là những vụ như ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long… hiện nay còn đang tranh cãi cả vụ Hồ Duy Hải. Theo tôi nếu thực hiện được là bước tiến quan trọng của ngành tư pháp Việt Nam.”
Đây không phải lần đầu Quốc hội có 2 luồng ý kiến đối lập khi nhắc về quy định bổ sung để Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh.
Trước đó, vào ngày 10/1, Quốc hội cũng đã họp bàn về vấn đề này nhưng chưa thể đi đến thống nhất.
Đến phiên thảo luận ngày 21/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi kết thúc buổi họp cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết thông qua Dự án Luật tại kỳ họp này.
The post Tranh luận việc VKSND Tối cao có được giám định âm thanh, hình ảnh appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
Xem thêm: lmth.hna-hnih-hnaht-ma-hnid-maig-coud-oc-oac-iot-dnskv-ceiv-naul-hnart/us-ioht/vt.nkd.www