Điền đầy đủ thông tin là quy định bắt buộc, nhưng đối với môn thi trắc nghiệm thí sinh cần ghi nhớ điền thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong đó phần ghi số báo danh, cần điền/tô đủ phần số, bao gồm cả số 0 ở phía trước. Thí sinh cũng không được quên ghi mã đề.
Tuân thủ hiệu lệnh, lưu ý mã đề
Với các bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT bao gồm các môn thi thành phần, thí sinh cần kiểm tra để đảm bảo các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi.
Nếu không cùng mã đề thì phải báo cho giám thị ngay, chậm nhất là năm phút từ thời điểm phát đề thi.
Khác với thi tự luận, khi thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được đọc đề thi khi có hiệu lệnh. Khi giám thị lần lượt phát đề thi, thí sinh phải để úp đề xuống dưới, không được đọc.
Sau khi có hiệu lệnh, thí sinh mới lật đề lên xem và bắt đầu làm bài. Nếu thí sinh xem trước đề sẽ vi phạm và có thể bị lập biên bản kỷ luật. Tương tự, khi có hiệu lệnh ngừng làm bài để nộp bài, thí sinh không cố làm tiếp.
Khi nộp bài thi, thí sinh cần xác nhận theo chỉ dẫn của giám thị. Sau khi chờ giám thị kiểm tra số phiếu trả lời trắc nghiệm đã thu, thí sinh mới ra khỏi phòng thi.
Những lỗi ngớ ngẩn phải tránh
Trong các kỳ thi đã qua, nhiều thí sinh để mất điểm vì những lỗi ngớ ngẩn hoặc gây phiền hà cho hội đồng chấm thi khi phải rút bài thi chấm tay do những lỗi khiến phần mềm chấm thi không chấp nhận.
Ví dụ khi làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm, có thí sinh tô vào hai phương án trong một câu hỏi, hoặc tô quá mờ, tô không kín ô trả lời. Có thí sinh không tô vào ô tròn để xác nhận phương án đúng mà đánh dấu nhân (x) hay tích (v) vào ô tròn. Có thí sinh dùng bút mực để tô vào ô tròn thay cho bút chì... Các trường hợp này đều phạm quy.
Thí sinh chỉ được chọn một phương án (tô vào một ô tròn). Thí sinh phải tô đủ đậm và kín ô tròn bằng bút chì. Trường hợp thi trên máy, thí sinh cũng phải đọc kỹ yêu cầu để thao tác đúng với quy định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước có một số thí sinh đã làm vào đề thi trong khi lẽ ra phải điền (tô phương án trả lời) vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Những thí sinh này không được điểm và với điểm 0 cho bài thi, thí sinh không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Vì thế, thí sinh cần ghi nhớ rõ, phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (với thi tốt nghiệp THPT trên giấy).
Phiếu trả lời giấy phải được giữ phẳng phiu, không rách, nhàu nát, không dây mực bẩn, không dùng bút mực màu đỏ hoặc bút có hai màu mực khác nhau để điền thông tin cá nhân.
Phân bố thời gian hợp lý, cảnh giác với câu hỏi nhiễu
Dựa trên đề thi tham khảo, tổng thời gian làm bài thi thì ngay ở giai đoạn ôn tập thí sinh có thể biết thời gian làm bài đối với mỗi câu hỏi là bao nhiêu.
Cụ thể, thường thời gian dành cho một câu hỏi trắc nghiệm từ 1 - 1,5 phút. Thí sinh có thể chia khoảng thời gian tương ứng với nhóm câu hỏi trong đề một cách tương đối.
Ví dụ bài thi có tổng thời gian 60 phút với 50 câu hỏi, trung bình mỗi câu hỏi có thời gian làm bài là 1-2 phút.
Thí sinh có thể phân bố 10 - 15 câu hỏi đầu tiên tối đa làm trong 12 - 18 phút. Thông thường khoảng 10 - 15 câu đầu tiên sẽ ở mức độ dễ hơn (mức nhận biết, thông hiểu) nên càng rút ngắn thời gian càng tốt. Ở nhóm 5 - 10 câu hỏi sau cùng thường có mức độ cao hơn (vận dụng, vận dụng cao) cần được dành nhiều thời gian hơn.
Thường đề thi trắc nghiệm sẽ sắp xếp theo mức độ từ thấp đến cao ở từng phần nội dung. Thí sinh có thể làm tuần tự các câu hỏi. Nhưng vẫn cần ghi nhớ nguyên tắc: dễ làm trước, khó làm sau.
Trong khi làm, khi bị vướng mắc ở một câu hỏi nào đó thì nên bỏ qua để làm câu khác, chứ không loay hoay cố làm. Sau khi làm hết lượt 1, thí sinh có thể quay lại giải quyết tiếp các câu khó còn lại.
Trong một câu hỏi trắc nghiệm thường sẽ có bốn phương án trả lời. Trong đó có một phương án đúng, ba phương án sai. Trong ba phương án sai có một phương án gây nhiễu (khiến thí sinh dễ nhầm tưởng mà lựa chọn), hai phương án sai dễ dàng nhận diện.
Nếu không chắc chắn về phương án đúng, thí sinh có thể lựa chọn phương án chắc chắn sai để loại trừ trước. Nếu bỏ được hai phương án sai đã chắc chắn, lúc đó thí sinh chỉ còn hai phương án để tiếp tục lựa chọn, thay vì bốn phương án như ban đầu.
Tiếp theo, thí sinh phải sử dụng khả năng suy đoán với hai phương án còn lại bằng cách tìm kiếm các điểm nhận diện gần với suy đoán của mình nhất, những điểm nhận diện hay "từ khóa" cho thấy có thể đáp án nằm ở đó.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 và 30-6. Ngày 27-6 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT; hai ngày thi chính thức là 28 và 29-6. Ngày 30-6 là ngày thi dự phòng.
Kỳ thi năm nay có 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng là 917.731, chiếm 89,5%. Có 73.232 thí sinh (7,1%) dự thi chỉ để xét tốt nghiệp và 34.203 thí sinh (3,3%) dự thi chỉ để sử dụng kết quả tuyển sinh.
Để tránh vi phạm quy chế
Những năm trước có tình trạng nhiều thí sinh đến nhầm điểm thi do bỏ qua ngày làm thủ tục dự thi. Việc này khiến thí sinh bị muộn, phải đình chỉ thi.
Thí sinh cần chuẩn bị trước những thứ được mang vào phòng thi như bút mực, bút chì, thước kẻ, com pa, máy tính cầm tay đảm bảo quy định không có chức năng soạn thảo văn bản, lưu trữ thông tin, atlat địa lý không có ghi thêm bất cứ nội dung nào thêm (trong buổi thi có môn địa lý).
Thí sinh không nên mang theo tài sản đắt tiền vì đồ dùng của thí sinh phải để cách các phòng thi tối thiểu 25m tùy theo bố trí của các điểm thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa công bố 156 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, 71 điểm thi có thí sinh tự do.