Trước thông tin liên quan đến thao túng chứng khoán từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước của cổ phiếu APS, API, IDJ, CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec - HNX: APS) đã có thông báo, khẳng định công ty không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này.
Theo đó sự việc nêu trên hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của APS.
Bên cạnh đó, APS chia sẻ, ngay khi nhận được thông tin, ban lãnh đạo của công ty cũng đã tổ chức họp và nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty trong thời gian tới diễn ra ổn định trong tình hình mới, theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra.
Doanh nghiệp thông tin, hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận chính thức. Khi có các thông tin cụ thể, công ty cam kết sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời đến khách hàng, đối tác và các cổ đông.
Sự việc xảy ra tại công ty nói trên đều nằm trong hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Apec Group (Apec Group). Được biết, cả 3 công ty này đều là những doanh nghiệp chủ chốt nằm trong hệ sinh thái Apec Group và ông chủ Nguyễn Đỗ Lăng; đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trước đó, hồi tháng 4/2023 ba cổ phiếu API, APS, IDJ đều cùng dắt nhau tăng phi mã tới 46% chỉ trong 2 tháng, và hiện tại cũng đồng loạt chứng kiến tình trạng rơi sâu về 12.600 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 1/4 đến ngày 7/4 nhóm cổ phiếu này đều có mức tăng một mạch từ 34% đến gần 50%. Thậm chí, không ít bình luận của nhà đầu tư trên các diễn đàn về chứng khoán đã có tung hô rằng đây là các mã "cổ phiếu vua" thời gian tới.
Điều trùng hợp chính là cả ba cổ phiếu này đều từng có khoảng thời gian tăng “sốc” gấp hơn 10 lần thị giá trước đó, bỏ mặc mọi nghi vấn của nhà đầu tư về giá trị thực của cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh.
Bộ ba “tam tấu” họ Apec
CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) thành lập ngày 31/7/2006 với vốn điều lệ ban đầu 22,95 tỷ đồng. Vốn điều lệ đến 31/12/2022 đạt 840,8 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Năm 2009, công ty thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán UPCoM với mã API. Năm 2010, công ty chính thức niêm yết trên sàn HNX. Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương đang sở hữu 5 công ty con với tỉ lệ từ 51% - 100% và một công ty liên kết.
Vào năm 2021, cổ phiếu API từng gây xôn xao với mức tăng bằng lần chỉ trong vài tháng, đạt mức đỉnh lịch sử 45.650 đồng/cổ phiếu (giá trước điều chỉnh là 10.000-15.000 đồng/cổ phiếu) vào hồi tháng 11/2021, cao gấp 6 lần so với trước sóng tăng.
Tuy nhiên, ngay sau khi đạt được ngưỡng lịch sử, cổ phiếu API quay đầu rớt giá quá nhanh và quá sâu, xuống tới 12.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 72% giá trị sau 7 tháng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy còn phát biểu rằng, cổ phiếu API thời gian trước như “lò xo” bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt.
Cổ đông tại lần đại hội này cũng từng đặt nghi vấn về thao túng giá khiến cổ phiếu API tăng mạnh. Chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định làm đúng luật, nếu phát hiện dấu hiệu gian lận API sẽ cam kết xử lý nghiêm.
Về CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: APS) thành lập vào năm 2006 với số vốn điều lệ là 60 tỷ đồng, đến năm 2023, con số này là 830 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính của APS là: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Khởi đầu với mức giá thấp hơn API, cổ phiếu APS với thị giá “trà đá” ban đầu quanh 5.000 đồng/cổ phiếu cũng có diễn biến bứt tốc tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tăng gấp 14 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.
Đồng pha với diễn biến của cổ phiếu API, ngay sau khi lập mức đỉnh chưa từng có tiền lệ, cổ phiếu APS ghi nhận lao dốc không phanh khiến nhà đầu tư gần như không kịp trở tay. Sau 19 tháng, thị giá của cổ phiếu này chỉ còn 14.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng bốc hơi khoảng 76% giá trị so với mức đỉnh.
Tuy nhiên, thời điểm cổ phiếu vẫn đang xây dựng mức đỉnh lịch sử, APS đã tổ chức ĐHĐCĐ 2021, khi đó ban lãnh đạo cùng cổ đông dự họp đã quàng khăn tím và hô vang khẩu hiệu: "APEC - sáng tạo, APEC - công hiến, APEC - phụng sự, APEC - quyết tâm, APEC - gồng lãi, APEC - quyết tâm gồng lãi" thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư trên thị trường.
Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có những phát biểu rằng: “Hiện chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng gấp 2 đến 2,5 lần trong thời gian tới".
Thành viên cuối cùng được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhắc tên trong thông báo chính là CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) có tiền thân là CTCP Tài chính Quốc tế và phát triển doanh nghiệp IDJ, được thành lập năm 2007 với số vốn điều lệ 149.6 tỷ đồng. Năm 2010, cổ phiếu của công ty được niêm yết và giao dịch trên sàn HNX.
Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Tư vấn mua bán doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Lập và quản lý các dự án đầu tư,…
Theo xu hướng chung của các cổ phiếu họ Apec, cổ phiếu IDJ cũng có mức thăng hoa gấp 5 lần thị giá trung bình, lên mốc đỉnh 42.470 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 18/11/2021.
Tuy nhiên, giá IDJ sau đó cũng chịu chung hoàn cảnh “rơi không cầu đỡ giá”, tính đến hiện tại, cổ phiếu này chỉ còn 13.200 đồng/cổ phiếu, giảm tới 69%. Mức thiệt hại của những cổ đông “đu” theo mức giá cao sẽ là rất lớn nếu họ không kịp thoát hàng trong quá trình rớt giá.