vĐồng tin tức tài chính 365

'Án oan đắt đỏ' ở trường mầm non khiến giáo viên sợ ôm hôn trẻ

2023-06-27 03:30

Trường mầm non McMartin ở Manhattan Beach, California, do bà Peggy Buckey sáng lập và sở hữu từ năm 1956. Sáng 12/5/1983, các giáo viên của McMartin phát hiện bé trai hai tuổi rưỡi trước cửa, không có ai đưa đón. Cậu bé được dắt vào lớp chăm sóc, tắm giặt thay áo quần và cho chơi đùa trong khoảng sân rộng nhiều thú nhún bằng gỗ sơn màu rực rỡ.

Mẹ của cậu bé, Judy Johnson, 40 tuổi, đến đón cậu vào buổi chiều và nói không có tiền đóng học vì đã ly thân hai tháng trước. Bà hiệu trưởng Peggy vẫn nhận bé Bill vào học.

Đúng ba tháng sau, 12/8, Judy gọi cho Sở Cảnh sát Beach Manhattan tố cáo Bill bị quấy rối tình dục bởi Ray Buckey, con trai 25 tuổi của hiệu trưởng.

Trường mầm non McMartin. Ảnh: Investigation Discovery

Trường mầm non McMartin. Ảnh: Investigation Discovery

Cảnh sát đã phỏng vấn hàng chục phụ huynh có con theo học tại trường. Không ai nghĩ con mình bị lạm dụng tình dục. Cậu bé Bill không thể xác định Ray từ các bức ảnh cảnh sát cung cấp. Các cuộc kiểm tra y tế cũng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu lạm dụng nào với cậu bé.

Khám nhà Ray Buckey, cảnh sát không tìm được gì ngoài hai cuốn tạp chí người lớn Playboy. Đó cũng là bằng chứng duy nhất khiến anh sau đó bị bắt giữ.

Cảnh sát trưởng quận viết thư cho 200 phụ huynh trường McMartin hiện tại và trước đây, nói về việc Ray Buckey bị bắt. Ông yêu cầu họ hỏi con cái về việc các bé từng bị anh ta sờ mó đụng chạm hay có bất cứ hành động gì xâm phạm hay không.

Một đài truyền hình ngay lập tức đưa tin rằng Trường mầm non McMartin liên quan ngành công nghiệp tình dục và đường dây khiêu dâm trẻ em. Qua một đêm, tin đồn trở thành cơn hoảng loạn. Cha mẹ yêu cầu cơ quan công tố quận hành động. Viện Nhi đồng Quốc tế (CII) cũng vào cuộc.

Phụ huynh được khuyến khích gửi con đến CII để phỏng vấn. Nhân viên CII hỏi chuyện 400 trẻ em trong độ tuổi 5-15. Thông qua một loạt câu hỏi mớm, dẫn dắt và đưa ra phần thưởng, CII yêu cầu chúng đọc ra câu trả lời họ đã định sẵn rồi mới cho về. Lúc đầu, các trẻ em phủ nhận nhìn thấy bất kỳ bằng chứng lạm dụng nào, hoặc từng bị lạm dụng, nhưng sau đó đều bảo "có".

Đến tháng 3/1984, CII báo cáo 360 trẻ em đã bị trường mầm non này lạm dụng. Một bác sĩ của tổ chức đã kiểm tra y tế cho 150 trẻ em và kết luận 120 trẻ đã bị lạm dụng tình dục.

Số lượng tuyển sinh tại Trường mầm non McMartin giảm mạnh và sau 28 năm phục vụ cộng đồng, trường đóng cửa ngày 13/1/1984.

Ngày 22/3/1984, Ray Buckey cùng, mẹ, bà, chị gái và ba phụ nữ làm tại trường bị truy tố 115 tội danh lạm dụng tình dục trẻ em. Ray Buckey và mẹ bị giam giữ mà không được bảo lãnh.

Bà Peggy Buckey, hiệu trưởng trường mần non McMartin tới tòa năm 1990. Ảnh: AP

Bà Peggy Buckey, hiệu trưởng trường mần non McMartin tới tòa năm 1990. Ảnh: AP

Phiên điều trần sơ bộ kéo dài 18 tháng bắt đầu tháng 6/1984. Luật sư của bị cáo cho rằng việc "thưởng cho trẻ em" trong quá trình thẩm vấn vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng và không đảm bảo khách quan. Song các chuyên gia tâm lý của CII cho rằng đó chỉ nhằm động viên và trấn an tinh thần các bé.

CII cũng tuyên bố đã sử dụng một thiết bị phóng đại gọi là máy soi cổ tử cung để phát hiện các vết sẹo nhỏ ở vùng sinh dục và trực tràng trẻ mà bà cho rằng đó là dấu hiệu của lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên, các bác sĩ sau đó nhấn mạnh rằng các kiểu sẹo CII phát hiện là phổ biến và không phải trẻ bị lạm dụng mới có loại sẹo đó.

Cơ quan công tố cũng cáo buộc trường McMartin xây dựng hầm bí mật dành riêng cho chụp ảnh khiêu dâm trẻ em và lạm dụng tình dục. Song tháng 3/1985, gần 50 phụ huynh đã đào khu đất trống bên cạnh trường McMartin để tìm kiếm nhưng không tìm thấy ảnh khỏa thân trẻ em, hay bất cứ đường hầm bí mật nào.

Các cuộc lục soát Trường mầm non McMartin và nhà của các bị cáo cũng không thu được nhiều bằng chứng buộc tội. Lời khai của các đứa trẻ trong phiên tòa đều khác xa kết quả điều tra. Các em đều nói không, không nhớ, những em khác thì kể ra những câu chuyện trôi chảy như đọc thuộc lòng.

Đến tháng 9/1985, hơn một năm sau phiên điều trần sơ bộ, một số thành viên trong nhóm công tố bắt đầu bày tỏ nghi ngờ về vụ án và các lời chứng của các nạn nhân. Hai trong 3 công tố viên đề nghị hủy bỏ cáo buộc song công tố viên trưởng, sau cuộc họp dài, quyết định, mẹ con Hiệu trưởng vẫn bị truy tố.

Đến thời điểm đó, dù phiên tòa chưa bắt đầu, vụ án đã tiêu tốn của Quận Los Angeles số tiền khổng lồ: 4 triệu USD.

Tháng 12/1986, người châm ngòi vụ án, Judy Johnson chết vì ngộ độc rượu. Khi đó, cảnh sát mới tiết lộ rằng cô ta từng bị tâm thần phân liệt hoang tưởng và nhiều lần bị tố cáo bạo hành con trai. Điều này không bao giờ được báo cáo với tòa.

Nửa năm sau, phiên tòa bắt đầu. Các nhân chứng, bao gồm những đứa trẻ trong trường qua nhiều năm học, khi đó ở độ tuổi 8-15, cuối cùng chỉ 5 người nhận lời làm nhân chứng. Những đứa trẻ này tiếp tục đưa ra cáo buộc, nhưng khi phía luật sư chất vấn về các chi tiết, chúng đều trả lời "không biết".

Hai mẹ con Ray luôn khẳng định vô tội. Ray chỉ ra, một số đứa trẻ nói bị anh lạm dụng khi anh còn chưa về trường làm việc. Bị cáo đặt ra nghi ngờ về tính khách quan của những lời khai trên. Phía công tố cũng không đưa ra được bất cứ chứng cứ vật chất hay y tế nào.

Phiên tòa bị các chuyên gia luật nước Mỹ đánh giá "đã kéo dài lê thê một cách không cần thiết", tới tận năm 1990, và các bằng chứng chống lại các bị cáo ngày càng rơi vào ngõ cụt.

Tháng 7/1990, bồi thẩm đoàn cho rằng các cáo buộc bế tắc "một cách vô vọng và không thể vô lý hơn", chính thức bác bỏ tất cả cáo buộc với hai mẹ con hiệu trưởng. Thẩm phán tuyên bố hai bị cáo vô tội.

Ray Buckey (trái) cầm tờ báo Los Angeles Times đưa tin về phiên tòa oan sai của mình, cùng luật sư bước khỏi tòa án sau khi được trắng ăn năm 1990. Ảnh: News Week

Ray Buckey (trái) cầm tờ báo Los Angeles Times đưa tin về phiên tòa oan sai của mình, cùng luật sư bước khỏi tòa án sau khi được trắng án năm 1990. Ảnh: News Week

Phiên tòa "Trường mầm non McMartin" cực kỳ tốn kém về mọi mặt. Về mặt tiền tệ, nó ngốn hơn 15 triệu USD của nhà nước vào các thủ tục điều tra tố tụng suốt 7 năm. Tới nay, đây vẫn là phiên tòa hình sự dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Hai mẹ con bị cáo đã bị tạm giam tới 5 năm, mất nhà cửa, mất việc làm, mất tiền tiết kiệm và vết nhơ đeo đuổi cả đời.

Trẻ em và phụ huynh cũng là nạn nhân khi bị cuốn vào nỗi sợ hãi không đáng có và những phiên thẩm vấn như tra tấn tinh thần. Phải đến năm 2005, tức 15 năm sau khi vụ án khép lại, một vài trong số những đứa trẻ này mới dám lên tiếng khi đủ khôn lớn.

Họ cho hay đã bị các chuyên gia của CII "vày vò" cả ngày trời cả về thể xác và tinh thần.

"Tôi ngạc nhiên khi bị họ hỏi chú Ray có làm gì tôi không. Tôi trả lời là Ray chẳng làm gì trừ việc quét dọn lớp học và vẫy tay đón chúng tôi đến lớp", người này kể.

Nhưng theo nhân chứng này, CII vẫn liên tục dồn ép. "Chúng tôi biết cháu đã bị hắn lạm dụng, giờ thì nhìn vào camera và nói "đúng thế", cháu sẽ được ra về", họ thuật lại lời nhân viên CII. "Bất cứ khi nào tôi đưa ra câu trả lời mà họ không thích, họ sẽ hỏi lại và khuyến khích tôi đưa ra câu trả lời mà họ cần".

"Nhưng sự dối trá thực sự làm tôi khó chịu", người này cho hay, khi bị thẩm vấn, anh khoảng 10 tuổi, và thực sự bị trầm cảm tới vài năm sau. Anh nói với cha mẹ sự thật, rằng chẳng có chuyện gì xảy ra với mình ở trường mẫu giáo cả, "nhưng họ không tin tôi, họ tưởng tôi đang sợ hãi".

Hậu quả của phiên tòa lan rộng khắp đất nước. Nhiều trường mần non tư thục buộc phải đóng cửa dưới sức ép dư luận. Những giáo viên mầm non khắp nước Mỹ từ đó không muốn và không dám ôm, chạm vào trẻ em, thậm chí khi chúng khóc, vì lo sợ rằng sẽ bị ra tòa vì hành động của họ có thể bị hiểu là dấu hiệu lạm dụng trẻ em.

Cảnh sát, CII và các chuyên gia của tổ chức này chưa bao giờ bị xem xét trách nhiệm trong vụ tố tụng sai.

Hải Thư (Theo CBS, ATI, ABC, Fox9)

Xem thêm: lmth.1080264-ert-noh-mo-os-neiv-oaig-neihk-non-mam-gnourt-o-od-tad-nao-na/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Án oan đắt đỏ' ở trường mầm non khiến giáo viên sợ ôm hôn trẻ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools