Khoảng 20h tối ngày 25-6, gia đình dịch giả Đặng Phi Bằng đang sinh hoạt tại khu nhà trệt thì nghe có tiếng va đập mạnh trên tầng lầu, nơi sinh hoạt hằng ngày của ông. Khi người nhà kiểm tra, phát hiện dịch giả Đặng Phi Bằng bị té, vùng thái dương bên mặt trái có chảy máu nhẹ.
Dịch giả lập tức được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 4 nhưng bác sĩ thông báo ông đã mất từ trước do đột quỵ.
Lễ viếng ông diễn ra từ chiều cùng ngày tại nhà riêng, số 92/41/20 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP.HCM.
Dịch giả Đặng Phi Bằng vào ngày sinh nhật khi ông 82 tuổi. Ảnh: FBNV |
Được biết, trước đó, ông thường xuyên mệt mỏi trong người, thêm căn bệnh hẹp đường thở khiến sinh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn hơn. Năm 2021, ông từng trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn bàng quang do có khối u.
Dịch giả Đặng Phi Bằng sinh năm 1939 tại Hà Nội. Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống học thuật, ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương Việt Nam và được trau dồi vốn sinh ngữ Anh, Pháp, Hoa tại trường Bưởi (trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Khoảng những năm 1950, ông cùng anh trai vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp từ đó đến nay.
Đặng Phi Bằng bộc lộ năng khiếu văn học từ rất sớm. Năm 1959, khi vừa 20 tuổi, ông đã có truyện ngắn đầu tay “Gia đình” đăng trên báo Văn hóa ngày nay do nhà văn Nhất Linh làm chủ bút. Tuy bước vào làng văn ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng giọng văn của ông chững chạc, cách viết trí tuệ và tình cảm trong mỗi câu chữ. Nhà văn Nhất Linh đã có lời nhận xét về ông rằng: “Truyện của Phi Bằng già dặn và tâm lý sâu sắc như một nhà văn lớn tuổi và đã sống nhiều”.
Linh cửu dịch giả Đặng Phi Bằng sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào 8h30 ngày 28-6. Ảnh: QUỐC HƯƠNG |
Sự nghiệp của Đặng Phi Bằng còn ghi dấu trong lòng bạn đọc với gia tài hàng chục tác phẩm dịch thuật đến từ nhiều lĩnh vực như văn học, khoa học, y tế…Trong đó, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Bố già” được ông chuyển ngữ từ tiếng Pháp đã chinh phục nhiều thế hệ độc giả.
Nói về bản dịch “Bố già”, Đặng Phi Bằng từng cho biết đây là cuốn sách nặng đô vì ngôn ngữ, nhân vật, cốt truyện trong sách hoàn toàn đậm chất “mafia”, “giang hồ”, “xã hội đen”. Để việc dịch suôn sẻ, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu đời sống của những người sống bên lề xã hội, tìm hiểu lời ăn tiếng nói mà dân anh chị thường hay dùng, đặc biệt ông còn mạnh dạn giao tiếp với giới trẻ để việc dịch trở nên tự nhiên hơn.
Đặng Phi Bằng là người cẩn trọng với con chữ và dành nhiều tâm huyết vào từng trang dịch thuật của mình. Cho đến nay, bản dịch “Bố già” của ông đã chinh phục người đọc bởi những câu chữ “rất đời”, thể hiện những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở của mafia xứ Sicily trong xã hội Mỹ.
Đặng Phi Bằng luôn dành sự quan tâm, chia sẻ cho người khác. Ảnh: QUỐC HƯƠNG |
Về cuộc sống đời thường, ông bắt đầu làm việc lúc trời vừa hửng sáng đến tận giữa đêm mới nghỉ ngơi. Thời đại công nghệ phát triển, ông được trang bị thêm máy vi tính để bàn để tiện cho việc nhập văn bản. Người nhà kể, ông say mê làm việc, có khi đến khuya mọi người đã ngủ hết nhưng phòng ông vẫn sáng đèn. Lúc Đặng Phi Bằng mất, quyển từ điển vẫn để mở trên bàn và máy tính còn đang bật.
Trong mắt người thân, gia đình và bè bạn, Đặng Phi Bằng là người sống giàu tình thương, luôn dành sự quan tâm, san sẻ cho mọi người, bất kể là người xa lạ.
Nói về ông, bà Loan (chị dâu dịch giả) chia sẻ: “Ông là người đầy đặn, luôn luôn đầy đặn với mọi người và không bao giờ nghĩ tới bản thân mà nghĩ tới người đó trước. Nghĩ người đó trước đã, còn bản thân thì tính sau”.