Hôm nay (27-6), hơn 1 triệu thí sinh (TS) sẽ đến điểm thi làm thủ tục dự thi. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã hoàn tất và việc tổ chức thi phải thực hiện “bốn đúng - ba không” để có một kỳ thi nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng.
Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chuẩn bị hành lý di chuyển đến tỉnh An Giang làm nhiệm vụ. Ảnh: THÁI SƠN |
Đến chậm quá 15 phút sẽ không được dự thi
Theo quy định, 14 giờ ngày 27-6, TS phải có mặt tại phòng thi đúng quy định ghi trong giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi.
Nếu thấy có sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày tháng năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xử lý kịp thời.
Trường hợp bị mất CCCD hoặc các giấy tờ cần thiết khác phải báo ngay cho trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.
TS đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp này là điều kiện bắt buộc đầu tiên nếu TS muốn xét vào ĐH.
Khi nhận đề thi, TS phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
TS không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).
TS không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, TS có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
TS được phép mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn địa lý.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ đang làm việc trong kỳ thi nói chung, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý tinh thần chỉ đạo “bốn đúng - ba không” mà Bộ GD&ĐT đã quán triệt.
Cụ thể, “bốn đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường;
“ba không” là không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Cẩn trọng từng bài thi để xét tuyển vào đại học
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức với mục đích chính là để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 nhưng năm nay, kết quả kỳ thi này tiếp tục được nhiều trường ĐH-CĐ sử dụng để xét tuyển chính năm 2023.
Cụ thể như Trường ĐH Y Dược TP.HCM tuyển hơn 2.400 chỉ tiêu. Trong đó, trường dành hơn 98% chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng dành 50%-60% trong hơn 5.000 chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi này.
Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến tuyển sinh 2.100 chỉ tiêu cho năm ngành học. Trong đó, ngành chiếm đa số là luật với 1.430 chỉ tiêu. Tuy nhiên, xét kết quả thi tốt nghiệp chiếm tối thiểu 60% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM mặc dù năm nay thực hiện 5-6 phương thức tuyển sinh ĐH nhưng chiếm chỉ tiêu lớn nhất vẫn là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vì lẽ đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 1 triệu TS dự thi năm nay có đến 89,52% em đăng ký thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH-CĐ.
Chưa kể, trước thềm diễn ra kỳ thi, hàng loạt trường ĐH đã công bố kết quả trúng tuyển ở nhiều phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, để được công nhận trúng tuyển chính thức, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả TS phải tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của bộ từ ngày 10 đến 30-7.
Do đó, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp này là điều kiện bắt buộc đầu tiên nếu TS muốn xét vào ĐH. Vì vậy, Bộ GD&ĐT lưu ý TS cần tuân thủ nghiêm túc quy chế thi để tránh bị điểm liệt cũng như bị trừ điểm không đáng có ở từng buổi thi, dẫn đến ảnh hưởng tới kết quả thi chung.•
Giảng viên vượt qua kỳ “sát hạch” mới được đi kiểm tra thi
Sáng 26-6, đoàn công tác của các cơ sở giáo dục ĐH đã bắt đầu xuất phát di chuyển đến các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Cụ thể, 55 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Luật TP.HCM đã xuất phát từ sáng sớm 26-6 đến tỉnh Khánh Hòa để làm nhiệm vụ từ ngày 27 đến 30-6. Mỗi cán bộ, giảng viên còn được trường trang bị thêm nhu yếu phẩm, túi thuốc, vật dụng y tế cá nhân và chuẩn bị bốn ô tô để đưa đón.
Hơn 40 thầy cô Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng đã khởi hành lên đường làm công tác thi tại ba địa bàn gồm TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hòa...
Trước khi triển khai công tác tại các hội đồng thi, theo quy định của Bộ GD&ĐT, từng cán bộ, từng đoàn của các cơ sở ĐH đều được tập huấn nghiệp vụ kỹ lưỡng về công tác thanh tra, kiểm tra thi, tuân thủ quy định của pháp luật, nắm vững quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, kết thúc tập huấn, cán bộ, giảng viên tham gia đều phải thực hiện bài kiểm tra về nghiệp vụ, nếu đạt mới được tham gia chính thức vào đoàn công tác.