vĐồng tin tức tài chính 365

Không dễ vay ngân hàng dù lãi suất giảm

2023-06-27 13:07

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings - thông tin, các hợp đồng tín dụng của công ty ông đều bị cắt hạn mức tín dụng còn khoảng 50% so với trước đây, một số hợp đồng không còn được gia hạn khi đến hạn và doanh nghiệp bị buộc phải trả hết nợ.

Kỹ sư Trương Quốc Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại cao su Tấn Thành - cho biết, lãi suất vay ngân hàng có giảm nhẹ một chút nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn trước. Với tiền đồng, nếu vay 3 tháng thì lãi suất là 8,8%/năm, còn vay 6 tháng thì lãi suất khoảng 9,8%/năm. Với USD, lãi suất vay kỳ hạn 1 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,8%/năm, có ngân hàng chỉ cho vay kỳ hạn 1 tháng. 

Hiện tại, tài sản thế chấp là đất, nhà xưởng ở tỉnh cũng khó được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên - kể, lãi suất cho doanh nghiệp vay khoảng 10%/năm nhưng ngân hàng chê tài sản thế chấp là đất, nhà xưởng nằm ở tỉnh. Mới đây, ông phải cầm cố nhà phố ở TPHCM mới vay được tiền theo nhu cầu, nhưng phải vay với tư cách cá nhân nên lãi suất là 13,5%/năm. 

Ngân hàng lo ngại rủi ro tăng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - có đến 70% tài sản đảm bảo ở các ngân hàng là bất động sản, nhà xưởng. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2022 và quý I/2023 cho thấy, nợ xấu ngân hàng gia tăng mạnh hơn trước do khách hàng gặp khó khăn, chất lượng tài sản đảm bảo suy giảm đáng kể, giá bất động sản giảm. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động, giá bất động sản vẫn đang giảm, nếu hạn mức cho vay vẫn như trước kia thì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - thông tin thêm, trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay, không chỉ ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tín dụng trên thế giới cũng đang rất thận trọng. 

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng bị “siết tín dụng” do doanh thu giảm, xuất khẩu gặp khó. Trong hoàn cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngân hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần lắng nghe, chia sẻ cùng nhau. Ví dụ, khi định giá doanh nghiệp, ngân hàng không nên chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán bởi doanh nghiệp còn nhiều tài sản vô hình khác như thương hiệu, bản quyền sáng chế, uy tín trên thương trường. 

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, ngân hàng luôn định giá tài sản thế chấp theo tình hình thị trường. Tùy theo loại tài sản mà ngân hàng có cách định giá cao, thấp khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư 100 tỉ đồng nhưng giá thanh lý lại chưa tới 30 tỉ đồng. Một căn hộ ở TPHCM giá 4 tỉ đồng có thể được định giá 3,9 tỉ đồng là do dễ bán, còn căn nhà phố giá 10 tỉ đồng có thể được định giá khoảng 8 tỉ đồng bởi không dễ bán. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, ngân hàng thu được lợi nhuận 8 - 10%/năm, nhưng nếu doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng mất trắng. Khách hàng cá nhân vay tiền mua bất động sản, chịu lãi suất vay 10 - 12%/năm; khi giá đất lên thì thu lợi nhuận từ vài chục đến 100% nhưng khi bất động sản đóng băng thì ngân hàng phải ôm nợ xấu.

Để đảm bảo an toàn, trước đây, ngân hàng chỉ định giá tài sản thế chấp bằng 70% giá thị trường và tỉ lệ cho vay chỉ bằng 50 - 60% mức định giá. Sau này, khi giá bất động sản tăng nóng, nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau nên có tình trạng định giá cao hơn giá trị thật, cho vay tới 80 - 90% mức định giá. Trong giai đoạn thị trường suy thoái như hiện nay, tính thanh khoản của mọi tài sản đều thấp nên ngân hàng không chỉ định giá thấp hơn giá thị trường mà còn tính đến khả năng thanh lý tài sản trong trường hợp bên vay không trả được nợ, mức cho vay cũng bị hạ xuống.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định: “Tài sản bị định giá thấp hơn, ngân hàng yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo là xu hướng của kinh tế thị trường. Khi vay ngân hàng, doanh nghiệp cần hiểu tính chất tài sản thế chấp, giá thị trường để có sự thích ứng kịp thời. Cá nhân muốn vay để đầu tư lúc này cũng chỉ nên vay 30 - 40% giá trị tài sản thế chấp để phòng ngừa rủi ro”. 

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.6584941a-maig-taus-ial-ud-gnah-nagn-yav-ed-gnohk/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags: vay

“ Không dễ vay ngân hàng dù lãi suất giảm ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools