Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) các nhà tiên phong diễn ra tại TP Thiên Tân, Trung Quốc năm nay thu hút hơn 1.400 đại biểu và các nhà lãnh đạo từ 21 quốc gia và 850 tập đoàn, tổ chức toàn cầu.
Những thách thức chung
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Cường cho rằng thế giới nên trân trọng sự cởi mở và hợp tác khi trải qua những trục trặc trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế.
Bởi việc trao đổi chân thành và hiệu quả sẽ giúp tăng cường hiểu biết và giảm xung đột, giải quyết các thách thức toàn cầu. Do đó Trung Quốc cam kết tiếp tục mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác và tạo cơ hội cho phục hồi và đầu tư.
Thông điệp cởi mở và hợp tác của thủ tướng Trung Quốc nhận được nhiều đồng thuận tại diễn đàn.
Phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cần phải có cách tiếp cận "toàn cầu, toàn dân" để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Theo Thủ tướng, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Đó là sự suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng, hệ lụy từ đại dịch COVID-19, cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh...
Các xung đột, trong đó có chiến sự tại Ukraine, đang đe dọa an ninh lương thực, năng lượng cùng các vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai...
Quan điểm và tầm nhìn của Việt Nam
Để giải quyết các thách thức trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các nước cần đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Người dân cần là chủ thể, trung tâm, nguồn lực và động lực cho phát triển. Tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại và đầu tư, dòng vốn.
Các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển. Các nước sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột.
Từ thực tiễn, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng - thể chế - nhân lực. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như đề nghị các nước, tổ chức quốc tế hợp tác, hỗ trợ Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Đức Khương - giám đốc nghiên cứu và phát triển quốc tế Trường Kinh doanh IPAG, chủ tịch Tổ chức AVSE Global tại Pháp - cho rằng những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra đã thể hiện quan điểm kiên định, nhất quán của Việt Nam khi tham gia "cuộc chơi lớn" của thế giới và đang ngày càng thể hiện vai trò tích cực.
Đề xuất của Thủ tướng về cách tiếp cận "toàn cầu, toàn dân" cho thấy tầm nhìn mang tính bao trùm khi ứng phó với các thách thức toàn cầu. Bởi sự hợp tác của các nước chỉ mang lại hiệu quả khi các chương trình hành động cụ thể hướng tới người dân và vì người dân.
Hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chiều 27-6 tại Đại lễ đường nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên trì chính sách "một Trung Quốc", quan tâm các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc và sẵn sàng trao đổi, thảo luận về các sáng kiến này.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản, nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối hai nước, hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư chất lượng cao...
Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu, mong muốn hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển...