Ý kiến trên được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, sáng 28/6. Đây là buổi tiếp xúc đầu tiên của Chủ tịch UBND thành phố sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vừa diễn ra.
Theo người đứng đầu thành phố, 6 tháng đầu năm, cả nước gặp khó khăn chung nhưng thành phố khó hơn vì nền kinh tế mở, diễn biến đồng thời với biến động thế giới. Đến nay, đơn hàng nhiều ngành giảm 30-50%, cá biệt có nơi hụt đến 70%. Trừ một số ít nhóm ngành cơ khí nặng có đơn hàng tốt hơn.
"Đơn hàng đi xuống, việc ít, thu nhập lao động giảm, đời sống khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự", ông Mãi nói.
Ngoài ra, TP HCM còn có những khó khăn riêng mà các địa phương khác không có như vụ Vạn Thịnh Phát, SCB, tác động từ đợt dịch, những tồn đọng cũ để lại, một bộ phận cán bộ còn e sợ.
"Thành phố bị nội công, ngoại kích suốt 6 tháng qua", Chủ tịch UBND TP HCM nhận định. Tuy nhiên, theo ông, nói thế không phải để tiêu cực mà nhận diện để cùng vượt qua.
Sau quý I tăng trưởng thấp 0,7%, GRDP TP HCM quý II tăng tốc lên mức 5,87% nhờ đầu tư công và khu vực dịch vụ tích cực, theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố vừa công bố sáng nay. Kết quả này đúng với dự báo của Tổng cục Thống kê hồi cuối tháng 5.
Do đó, tính chung 6 tháng, GRDP ước tăng 3,55%. "Mức tăng này tuy còn khiêm tốn nhưng phản ánh kết quả những cố gắng của chính quyền thành phố trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", Cục Thống kê TP HCM đánh giá.
Về cơ cấu nền kinh tế nửa đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 20,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,3%; trong khi dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 65,5%.
Dịch vụ cũng là một trong hai động lực giúp đầu tàu kinh tế lấy lại đà phục hồi. Trong quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 298.005 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 9,% so với quý I và cùng kỳ 2022.
Cục Thống kê TP HCM cho hay, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng, khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP nửa đầu năm.
Động lực thứ hai là tăng tốc giải ngân đầu tư công. Vốn thực hiện quý II ước hơn 10.260 tỷ đồng, tăng trên 89% so với quý I và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, ước thực hiện 15.682 tỷ đồng, tăng 43,9%. Đến 23/6, tỷ lệ giải ngân ước đạt 15% so với kế hoạch vốn được Chính phủ giao.
Dù vậy, thách thức là khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn khó khăn khi nửa năm chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ. Dù chiếm tỷ trọng đến 20,7% GRDP nhưng khu vực này chỉ đóng góp được 5,1% vào tốc độ tăng trưởng của thành phố.
Công nghiệp tăng trưởng 2,59%, đóng góp 13,8% vào mức tăng GRDP nhưng một số ngành chủ yếu vẫn hụt hơi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) một số ngành giảm mạnh như: nội thất (-21%); dệt may (-13,6%); đồ uống (-13,2%). Ảm đạm hơn, xây dựng giảm 8,45%, làm giảm 8,7% tốc độ tăng GRDP.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Hưng, đại diện doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cũng nêu những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp trong thời điểm hiện tại. Thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, các công ty sản xuất kinh doanh cầm chừng. Việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay khiến các đơn vị không giải ngân được, gặp tình trạng nợ xấu.
Trả lời cử tri, ông Phan Văn Mãi đồng tình có thực tế ngân hàng có tiền, doanh nghiệp cần vốn nhưng ngại vay vì lãi cao, làm không có lời. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi và tiếp tục có kiến nghị hạ lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, định kỳ hàng tháng, bản thân ông đều trực tiếp gặp gỡ ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp để ráp nối các nhu cầu đôi bên, cùng tháo gỡ khó khăn.
"Việc này đã có những kết quả bước đầu", ông Mãi nói. Ngân hàng ở thành phố đã vận dụng linh hoạt các quy định của chính sách trung ương để tháo gỡ khó khăn về hạn mức tín dụng, tài sản thế chấp cho doanh nghiệp. Đặc biệt các nhà máy có đơn hàng tốt nhưng tài sản thế chấp thấp vẫn được tạo điều kiện vay vốn.
Khó khăn về vốn của doanh nghiệp cũng sẽ phần nào được tháo gỡ khi Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố được thông qua. TP HCM sẽ có cơ sở để dùng ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua chương trình kích cầu.
Ngoài ra, các tổ công tác của thành phố cũng tập trung tháo gỡ các khó khăn cho các dự án như 110 dự án của khối doanh nghiệp nhà nước, nhóm vướng mắc 157 nội dung của dự án bất động sản, các dự án liên quan đến cổ phần hóa. Thành phố sẽ ưu tiên tháo gỡ sớm các vướng mắc có tác động đến việc góp phần làm thị trường ấm lên, tạo ra việc làm, có tác động đến kinh tế thành phố.
"Ban đầu sẽ hai tuần một lần, sau đó là một tuần, thành phố sẽ công khai tiến độ xử lý các dự án để người dân, doanh nghiệp theo dõi", ông Mãi nói.
Đưa ra dự báo cho thời gian tới, người đứng đầu chính quyền thành phố nhận định, tình hình kinh tế của TP HCM đã có chuyển biến tích cực trong quý II, dự kiến tích cực hơn trong quý III và có những khởi sắc trong quý IV. Do đó, người dân không nên hoang mang trong bối cảnh hiện tại và cùng thành phố vượt khó, thúc đẩy phát triển.
Lê Tuyết - Viễn Thông