Sáng ngày 30/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Danh sách cổ đông tham dự đại đội được Tập đoàn CEO chốt vào ngày 29/5/2023, CEO hiện đang lưu hành trên thị trường 257 triệu cổ phiếu với 43.953 cổ đông sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp.
Nhưng theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông sáng ngày 30/6/2023, dù đã lùi giờ diễn ra đại hội từ 8h xuống 9h30 để chờ đủ số lượng cổ đông tham dự nhưng tính đến thời điểm khai mạc đại hội, tổng số cổ phần mà cổ đông đại diện tham dự đại hội của CEO chỉ ghi nhận 91,1 triệu cổ phần, tương ứng chiếm tỉ lệ 35,42% vốn điều lệ.
Theo đó, Đại hội thường niên năm 2023 của CEO tổ chức thất bại do không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty.
Quay ngược lại quá khứ, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CEO từng gây “sốt” khắp các trang mạng xã hội bởi có số lượng cổ đông tham dự lên đến gần 700 người vào thời điểm thị giá CEO trên sàn tăng phi mã. Số lượng cổ đông tới dự đại hội “đông chưa từng có” khiến thủ tục thẩm tra tư cách cổ đông kéo dài tới 1,5 giờ.
Thời điểm ấy, hội trường chính của CEO không còn một chỗ trống, ghế phụ được huy động vẫn không đủ, nhiều cổ đông phải theo dõi đại hội qua màn hình tại phòng họp khác. Phiên thảo luận cũng nóng rẫy với màn đối đáp gần 1 giờ với hàng loạt câu hỏi và yêu cầu được trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo doanh nghiệp, khiến đại hội kéo dài sang tận buổi chiều.
Khác với trạng thái phấn khởi tại Đại hội năm 2022, phát biểu tại Đại hội cổ đông tổ chức bất thành, Chủ tịch HĐQT CEO Đoàn Văn Bình bày tỏ sự bất ngờ bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử CEO tổ chức bất thành Đại hội đồng cổ đông thường niên lần đầu do không đủ số lượng cổ đông tham dự.
Năm 2023, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng (gồm doanh thu bán hàng; doanh thu tài chính và thu nhập khác) và lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 2% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
"Từ nay đến cuối năm, hai lĩnh vực trụ cột chính của CEO hoạt động là bất động sản cũng như ngành du lịch vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Niềm tin trên thị trường bất động sản và dòng tiền trên thị trường gần như bằng không. Lãi suất cao, các chi phí tăng, tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch năm", ông Bình cho hay.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết trong thời gian tới sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, đặt mục tiêu hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản để nâng cao khả năng thực hiện dự án.
Về kế hoạch tăng vốn, ông Bình cho biết, ngày 29/6 Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau khi xem xét kỹ lưỡng đã chấp thuận cho công ty tăng vốn.
"Hiện nay vốn điều lệ của CEO Group đang rất thấp ở mức 2.500 tỷ đồng so với mặt bằng chung, khoảng 70 doanh nghiệp bất động sản được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán đều có vốn trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng. Do đó, việc tăng vốn của CEO là cần thiết", ông Bình nói.
Ông Bình phân tích việc huy động vốn trong năm 2023 là bắt buộc để công ty có thể tiệm cận năng lực trung bình trên 2 sàn, cả về năng lực tài chính cũng như năng lực phát triển dự án trọng điểm.
Cuối cùng, Chủ tịch của CEO gửi lời xin lỗi đến tất cả cổ đông đang tham dự bày tỏ, đồng thời chia sẻ mong muốn cổ đông sẽ bớt chút thời gian đến dự đại hội lần 2 của công ty.
CEO không phải công ty bất động sản đầu tiên tổ chức bất thành Đại hội cổ đông lần 1 trong năm 2023. Trước CEO, một số doanh nghiệp như Tập đoàn FLC (UpCOM: FLC), Đầu tư LDG (HoSE: LDG) cũng không thể tổ chức đại hội do chưa đủ túc số.
Đặc biệt như trường hợp tại DIG Group (HoSE: DIG), đích thân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn phải viết tâm thư kêu gọi cổ đông đến tham dự Đại hội năm 2023 của doanh nghiệp do trong năm 2022 đã từng không thể tổ chức được đại hội vì không đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết.
Đề cập trong thư gửi cổ đông, ông Nguyễn Thiện Tuấn cho biết để cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2023 đủ điều kiện tiến hành theo quy định, DIC Group luôn mong muốn cổ đông trực tiếp tham dự, tham gia góp ý, thảo luận các vấn đề trình đại hội để công ty ngày càng phát triển, mang lại lợi ích cho cổ đông.
Trường hợp cổ đông không thể trực tiếp tham dự, doanh nghiệp này đề nghị cổ đông có thể ủy quyền cho người khác có điều kiện trực tiếp tham dự, hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện quyền và nghĩa vụ tại đại hội cổ đông thường niên 2023.
Trước tâm thư khẩn thiết của vị Chủ tịch, ngày 28/6 đại hội năm 2023 của DIG Group vẫn không đủ số lượng cổ đông tham dự.