Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin kinh tế nổi bật trong nước và quốc tế trong 2 ngày (4-5/6).
Mỹ lên kế hoạch cấm các hãng hàng không Trung Quốc từ ngày 16/6
Theo Reuters đưa tin ngày 3/6/2020, các nhà chức trách và lãnh đạo hàng không của Mỹ cho biết Mỹ sẽ cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Mỹ, đây là phản ứng trước việc Chính phủ Trung Quốc ngăn cản các hãng hàng không Mỹ nối lại hoạt động khai thác bay giữa hai nước.
Theo nguồn tin cho biết, lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 16/6/2020 và rất có thể sẽ được áp dụng sớm hơn.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, các đường bay giữa hai nước đã dừng khai thác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung Quốc chưa mở lại đường bay. Theo Chính quyền TT Mỹ Donald Trump thông tin, Chính quyền Trung Quốc đã khiến các hãng hàng không Mỹ không thể khôi phục dịch vụ tới Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cương quyết phản đối mọi biện pháp hạn chế của Mỹ nhằm vào các hãng hàng không nước này.
Đây là bước leo thang mới trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với các động thái khác như việc xóa bỏ những quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho Đặc khu hành chính Hong Kong khi Trung Quốc đề xuất dự thảo Luật An ninh quốc gia về Hong Kong; dự kiến hạn chế cấp thị thực cho các sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc nhằm tránh việc thu thập thông tin trái phép về tài sản trí tuệ của Mỹ. Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật Kiểm toán các công ty cổ phần nước ngoài” nhằm tăng cường giám sát các công ty có trụ sở nước ngoài, bao gồm cả các tập đoàn lớn của Trung Quốc tại Mỹ.
FLC dự kiến lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2020
Đại dịch Covid-19 khiến các mảng kinh doanh cốt lõi như hàng không, du lịch… của hãng FLC bị ảnh hưởng nặng nề nên tập đoàn này dự kiến lỗ 1.957 tỷ trong năm 2020.
Theo tài liệu chuẩn bị họp đại hội cổ đông FLC vừa công bố, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 12.500 tỷ đồng, giảm khoảng 21,5% so với năm ngoái.
FLC cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến một số mảng cốt lõi của tập đoàn như hàng không, nghỉ dưỡng, du lịch và dịch vụ giải trí. Do đó, hoạt động kinh doanh của FLC nửa đầu năm và dự kiến cả năm 2020 bị ảnh hưởng rất lớn, dự kiến lợi nhuận hợp nhất sau thuế âm (-1.957 tỷ đồng)
Riêng trong quý I/2020, FLC đã lỗ gần 1.900 tỷ đồng, xấp xỉ kế hoạch lỗ cả năm (1.957 tỷ). Vì vậy, FLC cho biết sẽ chủ động hơn trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vốn, tập trung mọi nguồn lực để đạt hiệu quả tối đa.
Theo Vnexpress.net, FLC vẫn tiếp tục xác định bất động sản là mảng kinh doanh cốt lõi trong năm 2010. Năm 2019 mảng bất động sản lãi hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu của FLC. Trong năm 2020, tập đoàn này xác định có 5 dự án bất động sản , trong đó dự án lớn nhất là quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với quy mô 500 ha tại Gia Lai.
Đối với lĩnh vực hàng không, hãng Bamboo Airways của tập đoàn này giữ mục tiêu chiếm 30% thị phần năm 2020 thông qua các biện pháp như đẩy mạnh mở mới các đường bay nội địa để tiếp tục củng cố mạng bay với kế hoạch ban đầu là tối thiểu 40 chiếc và hướng đến mục tiêu 50 chiếc. Hơn nữa, hãng hàng không này sẽ tái khởi động việc xây dựng các đường bay mới tới Đông Á, châu Mỹ ,châu Âu, châu Đại Đại Dương.
Mặc dù trong quý I/2020 hãng bay của FLC lỗ hơn 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong một sự kiện gần đây, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC khẳng định hãng Bamboo Airways không gặp khó khăn về tài chính và đang hoạt động tốt, bài bản hơn trước khi có dịch, Bamboo Airways vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2020.
Mỹ chọn Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng
Theo thông cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc – Đại sứ Việt Nam đã có cuộc gặp bới ông Adam Boehler – Giám đốc điều hành Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC), theo đó Mỹ xác định Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Theo CafeF, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan khắp thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nước áp dụng các biện pháp cách ly để ngăn chặn dịch. Doanh nghiệp nhiều nước đã tính đến phương án chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro. Việt Nam đã “ghi điểm” về môi trường đầu tư khi đã kiểm soát được tốt dịch bệnh.
DFC đang triển khai một loạt các kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số. Đại sứ Việt Nam cũng đề nghị DFC tiếp tục tham gia các hoạt động trong năm nay khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao.
Từ tháng ba, hãng Apple của Mỹ bắt đầu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng, dự kiến khoảng 4 triệu chiến AirPods sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong Quý II. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, các hãng lớn khác như Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, trong đó Việt Nam cũng là một điểm đến bên cạnh các quốc gia trong khu vực.
Hơn 4.000 tỷ đồng dành nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài
Với tổng mức đầu tư 4.046,963 tỷ đồng, dự án nâng cấp đường bay, đường lăn Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ được khởi công vào cuối tháng 6/2020.
Theo báo Người lao động, từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 02 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Do tình hình cấp bách cần phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này, Chính phủ đã thống nhất đầu tư cải tạo nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác vận hành, khai thác, đây là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Thăng Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long khẩn trương tổ chức và lập báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án này.
Tổng mức đầu tư của 2 dự án là 4.046,963 tỷ đồng, trong đó: CHKQT Nội Bài là 2.031,653 tỷ đồng, CHKQT Tân Sơn Nhất là 2.015,310 tỷ đồng. Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021, thời gian hoàn thành thanh quyết toán năm 2022.
The post Điểm tin Kinh tế ngày 4-5/6: Mỹ lên kế hoạch cấm các hãng hàng không Trung Quốc; Việt Nam được xác định là đối tác ưu tiên của Mỹ trong chuỗi cung ứng appeared first on Đại Kỷ Nguyên.