Tiếp viên hàng không đi bán bảo hiểm, làm shipper…
Đã vào nghề được 3 năm, Sang (sinh năm 1992, TP Hồ Chí MIinh) – một tiếp viên hàng không cho biết, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, thời gian bay trung bình của anh là 80 giờ/tháng. Trong giai đoạn du lịch nội địa phục hồi vừa rồi, cũng bay được gần 60 giờ. Tuy nhiên, đến đợt dịch lần thứ 4 này, giờ bay còn rất thấp, chỉ tầm 10 giờ/tháng.
Sang chia sẻ: "Để đảm bảo an toàn, người dân cũng hạn chế việc đi lại và gần như không đi du lịch nên số chuyến bay cắt giảm nhiều, chúng em phải nghỉ luân phiên".
Sang cho biết thêm, hiện tại, hãng bay vẫn đảm bảo lương cơ bản, giờ bay tối thiểu và phụ cấp. Tuy nhiên, thu nhập của hầu hết các bạn tiếp viên hàng không đã giảm từ 2/3 đến ¾ so với trước dịch nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo chi trả các khoản chi phí, anh nhận nhập liệu hồ sơ và thiết kế slide thuyết trình cho một công ty nhỏ của người quen.
Còn Trường (sinh năm 1991, Hà Nội) – tiếp viên hàng không của một hãng bay khác chia sẻ: "Hiện tại 1 tháng giờ bay của tiếp viên dao động tầm 10 - 20 giờ bay. Trước đó khoảng 2 tháng, giờ bay của tiếp viên dao động tầm 30 – 40 giờ bay. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát trở lại, các chuyến bay bị huỷ nhiều do khách huỷ và hãng hàng không phải dồn chuyến lại".
Dù hãng bay vẫn chi trả lương cơ bản hàng tháng nhưng cũng bị trừ theo giờ bay thực tế. "Ví dụ như trước dịch, lương cơ bản là 6 triệu đồng thì giờ lương cơ bản sẽ bị trừ theo % giờ bay thực tế. Mức lương dao động tầm 2 đến 3 triệu đồng", Trường tâm sự.
Thu nhập chỉ giảm còn khoảng 20% so với trước dịch nên anh Trường chuyển sang kinh doanh bên ngoài. Trong khi đó, bạn bè anh cũng làm đủ nghề trong giai đoạn khó khăn này: từ bán bảo hiểm, bán đồ ăn online, một số đi chạy grabcar, làm shipper…
Hướng dẫn viên du lịch bán cơm, làm phiên dịch…
Nếu như nhân sự ngành hàng không vẫn còn cố bám trụ được với nghề, hầu hết các hướng dẫn viên du lịch đều phải chuyển sang công việc khác khi ngành du lịch "đóng băng".
Tiến (sinh năm 1993, Hà Nội), một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Trung Quốc, đã phải chuyển sang bán hàng online từ hơn nửa năm nay.
"Em chuyên bán những mặt hàng đặc sản của Việt Nam như: hạt điều, cafe... thông qua ứng dụng Wechat để bán cho khách quốc tế. Bạn em giờ cũng có người kinh doanh online giống em, người thì làm nhân viên order taobao, người thì chuyển qua bất động sản" – Tiến cho hay.
Khi hỏi về thu nhập so với lúc còn làm hướng dẫn viên, Tiến bảo: "Tất nhiên là thấp hơn và cũng không ổn định ạ. Dạo này lại tiếp tục bùng dịch nên cũng khó!".
Hướng dẫn viên du lịch "xoay" đủ nghề để trang trải chi phí trong mùa dịch
Còn với Hồng Chuyền (sinh năm 1989, Hà Nội), cô gái đã có kinh nghiệm 8 năm dẫn khách đoàn Trung Quốc, gia đình vừa có thêm một thành viên nhỏ, cũng là lúc đôi gánh trên vai cô nặng hơn, vì là trụ cột chính trong nhà giờ có tới 6 người.
Từ đợt dịch đầu tiên đến nay, cô đã chuyển qua rất nhiều nghề. Hồng Chuyền chia sẻ: "Từ lúc dịch 2020 đến giờ, tôi vẫn phiên dịch theo dự án, theo ngày cho các công ty, giờ đang làm nhân viên kinh doanh online cho một công ty ở Hà Đông".
Hồng Chuyền cho biết thêm, những bạn bè làm hướng dẫn viên du lịch trước đây, giờ họ cũng làm đủ nghề. Có người đi bán cơm, bán hàng online.
Dù xoay đủ nghề, nhưng thu nhập của cô cũng đã giảm hơn 50% so với trước đây. Và cũng không ổn định. Cô cho biết, nếu dịch vẫn tiếp tục kéo dài, có thể sẽ về lại Tuyên Quang cùng gia đình.
Hàng không và du lịch là hai ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Đợt dịch lần thứ 4 càng làm cuộc sống của nhân sự hai ngành này khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi có định rẽ hướng và không quay lại nghề hay không, hầu hết đều cho rằng, sẽ cố gắng xoay sở, để bám trụ được với nghề.
"Hiện tại, không chỉ riêng em mà còn rất nhiều các anh chị và các bạn vẫn sẽ cố gắng bám trụ với nghề. Mọi người tin rằng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch và những cánh chim sắt sẽ sớm bay trên bầu trời. Ngoài ra, các bạn luôn sẵn sàng để cống hiến cho công ty khi được phân công công việc, sẵn sàng tham gia bay giải cứu đưa công dân về nước khi có yêu cầu" – Sang, tiếp viên hàng không chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!