vĐồng tin tức tài chính 365

Tiền ở đâu ra nhiều thế khiến “đơ” sàn chứng khoán?

2021-06-02 08:05

Đây là một câu hỏi, và cũng là một lời thốt tỏ ý kinh ngạc trên một số nhóm thảo luận về chứng khoán trên mạng xã hội tại thời điểm sàn HoSE ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1.6, vì thanh khoản mạnh gây áp lực lên sự an toàn của hệ thống.

Dòng tiền tạo lập kỉ lục này tới kỉ lục khác

Phiên ngày 1.6, lần đầu tiên trong lịch sử, thanh khoản chỉ trong phiên sáng trên sàn HoSE đã vượt ngưỡng 21.700 tỉ đồng, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh đã đạt khoảng 21.000 tỉ đồng, cũng là một kỉ lục chưa từng diễn ra.

Lần đầu tiên, sàn HoSE phải ngừng giao dịch vì áp lực của dòng tiền mạnh. Một điều tưởng chừng mâu thuẫn về mặt kinh doanh nhưng lại là thực tế, vì hệ thống của HoSE từ lâu đã thường xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, “đơ” sàn.

Vào giai đoạn tháng 12.2020 đến khoảng giữa tháng 4.2021, “ngưỡng kháng cự” về thanh khoản của sàn HoSE là vùng 14.000 tỉ đồng mỗi phiên. Cứ đến phiên chiều khi thanh khoản bước vào vùng này, dấu hiệu nghẽn lệnh giao dịch lại xuất hiện, thị trường lại “được nghỉ sớm”. Nhà đầu tư nào muốn tiếp tục thì chỉ còn cách sang giao dịch ở sàn HNX và UpCom.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 1.6, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HoSE – cho biết, vào thời điểm tháng 12.2020, khi hệ thống bị quá tải thì giá trị giao dịch bình quân một phiên khoảng 12.200 tỉ đồng. Đến tháng 4.2021, thanh khoản mỗi phiên tăng lên 18.800 tỉ đồng, và tháng 5 tăng tiếp lên mức 22.300 tỉ đồng. Phiên sáng ngày 1.6.2021, giá trị giao dịch vượt mức 21.700 tỉ đồng, một mức thanh khoản chưa bao giờ có trong lịch sử.

Trên thực tế, từ khoảng nửa cuối tháng 4.2021, với những cải tiến, sàn HoSE đã nâng ngưỡng kháng cự về thanh khoản lên vùng 21.000-22.000 tỉ đồng. Thanh khoản vượt qua mức đó, tình trạng nghẽn lệnh xảy ra và sàn lại bị “đơ”.

Sức chịu tải bao nhiêu là đủ?

Và cũng từ thực tế phiên giao dịch sáng ngày 1.6, dấu hiệu trả kết quả chậm từ HoSE về các sàn thành viên diễn ra từ nửa đầu phiên sáng, không ít bảng điện tử các sàn thành viên nhảy loạn nhịp không thể xác định được chính xác mức giá khớp tại một thời điểm.

Trong 5 phiên gần nhất từ ngày 25-31.5, thanh khoản trên sàn HoSE liên tục tăng dần đều từ mức hơn 21.000 tỉ đồng lên mức trên 25.000 tỉ đồng. Phiên ngày 31.5, chỉ trong phiên sáng thanh khoản đã đạt hơn 19.000 tỉ đồng, một kỉ lục. Thế nhưng sang phiên 1.6, kỉ lục mới lại xuất hiện với con số hơn 21.700 tỉ đồng về thanh khoản.

Tiền ở đâu ra nhiều thế? Tất nhiên không phải từ khối ngoại. Bởi từ đầu năm 2021 tới nay, khối ngoại liên tục bán ròng mạnh còn hơn cả trong năm 2020. Dòng tiền đó cũng không phải phần lớn từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán.

Theo hãng tin Bloomberg trong một bài viết gần đây, khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ các nhà đầu tư cá nhân, trong khi 2 thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh hàng đầu khu vực là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tỉ lệ này chỉ là 75% và 70%. Chính dòng tiền từ khối nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng điểm khoảng 20% tính từ đầu năm tới nay, mức tăng mạnh nhất trong khu vực.

Lãi suất thấp là nguyên nhân lớn thúc đẩy dòng tiền nhàn rỗi hay từ các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong mùa dịch tìm đến thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chưa bao giờ lãi vay margin tại các công ty chứng khoán hấp dẫn như thời gian gần đây. Có những gói vay margin với lãi suất chỉ còn 6%, thúc đẩy nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn; dẫn đến nhiều thời điểm, các công ty chứng khoán bị rơi vào tình trạng “căng margin”, dẫn đến những phiên thoát hàng ào ạt của nhà đầu tư trên thị trường.

Xem thêm: odl.408519-naohk-gnuhc-nas-od-neihk-eht-ueihn-ar-uad-o-neit/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiền ở đâu ra nhiều thế khiến “đơ” sàn chứng khoán?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools