Ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia bỗng chốc trở thành khu cách ly tập trung. Vì nhiều lý do, sinh viên (SV) không thể về quê, cũng không tìm được chỗ trọ vì thời gian quá gấp rút. Thấy SV không có chỗ ở, lại phải vác, chở đồ cồng kềnh giữa trời nắng nóng, nhiều người sống tại làng ĐH đã hỗ trợ chở, giữ đồ, cho SV ở miễn phí qua mùa dịch.
Xem sinh viên như người em trong nhà
Dịch COVID-19 đến làng ĐH, anh Lê Văn Hùng (31 tuổi, TP Thủ Đức) phải đóng cửa quán ăn. Thấy quán đang bị bỏ trống, nhiều SV lại chưa tìm được chỗ ở qua đợt giãn cách xã hội, anh Hùng liền đăng bài hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 20 SV.
“Miễn phí tất cả. Nếu sử dụng phòng máy lạnh thì phụ chút tiền điện thôi. Dụng cụ nấu ăn, tủ lạnh đầy đủ. Chỉ hỗ trợ các em có thẻ SV nhé” - anh đăng bài trong nhóm Hội Những người ở KTX khu B - KTX ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiện có năm SV đang sống tại quán của anh. Sáng 1-6, có một SV tới hỏi thăm để ở nhờ, anh nhiệt tình đưa đến xem phòng, dụng cụ nấu ăn; đặc biệt là tủ lạnh đầy ắp thịt và rau.
Chiếc xe đồng hành cùng anh Nguyễn Ngọc Huân trên những chặng đường chở đồ giúp sinh viên. Ảnh: NVCC
Anh cười: “Dịch đến, những người có công việc ổn định còn bị ảnh hưởng, huống gì là SV. Gạo nhà tôi có sẵn, thịt, rau thì tôi mới mua về để các SV ăn dần. Ở trong KTX không được nấu ăn, chắc chưa quen với việc đi chợ nên tôi mua cho các bạn ăn trong mấy ngày đầu. Tôi xem SV như người em trong nhà, giúp được gì thì tôi giúp. SV là nhân tài của đất nước, mình giúp các bạn là đang giúp đất nước mình”.
Biết anh Hùng mở cửa quán đón các SV chưa tìm được chỗ trọ vào sống, gia đình anh hoàn toàn ủng hộ. Anh giao chìa khóa quán cho những SV sống tại đây, còn anh về nghỉ ngơi tại nhà ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Quán còn nhiều không gian, anh hy vọng nhiều SV biết tới bài đăng của anh để tìm được nơi ở miễn phí.
Nguyễn Thị Mỹ Nữ (SV năm nhất Trường ĐH Kinh tế - Luật) là một trong những SV đến sống tại quán. Nhà Nữ ở huyện Hóc Môn, hiện không thể về vì tại Hóc Môn đang có ca nhiễm mới. Cô không tìm được chỗ trọ trong thời gian ngắn nên đã liên hệ với trưởng tòa nhà để xin ở lại KTX nhưng không được duyệt.
“Tôi thấy bài đăng của anh Hùng nên nhắn tin xin phép ở lại thì anh đồng ý liền. Quê tôi ở vùng dịch. Nếu không có chỗ ở này, tôi không biết sẽ đi đâu về đâu… Giờ tôi không lo về phòng trọ, không lo phải chuyển đồ đi xa nữa. Anh Hùng nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện với SV, phòng ở cũng rộng và sạch sẽ. Tôi dự định ở khoảng hai tuần, hết giãn cách xã hội sẽ về nhà” - Nữ cho biết.
Giống như anh Hùng, NTT (SV năm nhất Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng cùng với gia đình dành một phòng trống trong nhà để SV ở miễn phí. Những bạn đến ở có thể tự nấu ăn hoặc ăn cùng gia đình T. và phụ tiền điện, nước.
Giúp người không tính toán thiệt hơn
Thấy nhiều SV phải xách, vác đồ giữa trời nắng oi ả, anh Nguyễn Ngọc Huân (26 tuổi, Bình Dương) đã hỗ trợ chở đồ miễn phí giúp các bạn. Giống như cách anh từng chở đồ, đưa SV ra bến xe, sân bay vào mùa dịch năm trước, năm nay anh Huân lại cùng chiếc xe của mình rong ruổi khắp TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, Tân Bình.
Sau khi biết KTX sẽ thành khu cách ly, anh Huân đã đăng bài hỗ trợ chở đồ miễn phí giúp SV vào nhóm Hội Những người ở KTX khu B. Hơn 200 SV đã gọi điện thoại cho anh, nhờ anh giúp đỡ. Tuy nhiên, vì không có thời gian chở hết nên anh ưu tiên chở những chuyến ngắn để giúp đỡ được nhiều SV. Trong ba ngày, anh đã chở đồ giúp hơn 60 bạn.
Vàibàiviết hỗtrợsinh viên trên nhóm Hội Những người ở KTX khu B.
(Ảnh chụp từmànhình)
Anh bắt đầu chạy xe từ 6 giờ đến 21 giờ từ KTX đến quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Đồ đạc chất đầy trong cốp xe, băng ghế sau, ghế phụ. Có lần SV nhờ chở nhiều đồ quá, anh phải nhờ chú Minh “cô đơn” chở giúp những đồ nặng, cồng kềnh bằng xe ba gác. Nhiều SV gửi tiền nhưng anh không nhận. Các bạn gửi lại cà phê, bánh kẹo để anh ăn uống dọc đường, anh liền để dành cho những bạn ở chuyến sau.
“Tiền xăng chỉ mất vài triệu đồng nhưng bù lại tôi giúp đỡ được nhiều SV gặp khó khăn. Thấy các bạn đỡ vất vả là tôi vui rồi. Ngày xưa tôi cũng từng là SV, từng vất vả. Giờ tôi giúp các bạn SV để những bạn đó không phải vất vả như mình” - anh Huân bộc bạch.
Ngoài ra, anh còn thuê nguyên một căn nhà, đang cho một số SV ở nhờ. Anh cũng dọn dẹp một phòng riêng để các bạn SV gửi đồ trong đó.
Chị Mỵ Châu (29 tuổi) và anh Nguyễn Anh Hào (26 tuổi) sống tại thị xã Dĩ An, Bình Dương cũng dành một không gian tại quán ăn của hai người làm chỗ giữ đồ cho SV. SV gửi đồ đều phải ghi rõ họ tên dán lên thùng, túi đồ.
Anh Hào viết tên, số điện thoại, số lượng thùng đồ của từng bạn vào sổ; dán niêm phong và nhắc SV chụp ảnh thùng đồ của mình để sau này đối chiếu. Còn chị Mỵ Châu thì cần cả CMND của SV khi tới lấy đồ để đảm bảo không trao nhầm đồ cho ai. Cả hai anh chị đều mong các bạn tới gửi đồ nhiều hơn vì không gian quán còn rộng. “Không có gì to tát cả, chỉ là thấy SV gặp khó khăn thì giúp thôi, không suy nghĩ gì hết” - anh chị đều nói.
Anh Hào tâm sự: “Lúc đầu thấy trên nhóm SV có đăng bài gửi đồ tính phí. Sau khi tôi đăng miễn phí thì thấy có nhiều người cũng hưởng ứng, cho SV gửi đồ miễn phí như tôi. Tôi thấy vui vì mình đã lan tỏa, cổ vũ những người khác cùng hỗ trợ SV như mình”.
Anh còn dự định nấu cơm phát miễn phí vào thứ Bảy, Chủ nhật cho các SV không thể về quê hoặc gặp khó khăn.
• SV tìm chỗ ở miễn phí trong mùa dịch, liên hệ: Anh Lê Văn Hùng: 0939407957. Bạn NTT: 0890309272. • SV tìm chỗ gửi đồ miễn phí, liên hệ: Chị Mỵ Châu: 0931437427. Anh Nguyễn Anh Hào: 0971738139. |