Một nhân viên y tế bị choáng khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân giữa trời nắng gắt trong con hẻm tại TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Tin vịt" lại ăn theo nhau từ kiểu thể hiện và thói xấu "rảnh rỗi sinh nông nổi".
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Long An tử vong trong lúc người này vẫn đang được điều trị tích cực tại TP.HCM. Dư luận rất bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng làm rõ để xử lý người tung tin thất thiệt.
Rạng sáng 1-6, tại phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) xảy ra vụ nghi vấn phóng hỏa đốt nhà, hai vợ chồng đang ngủ bị phỏng rất nặng. Trong lúc lực lượng chức năng mướt mồ hôi vừa cứu giúp nạn nhân vừa điều tra nguyên nhân sự việc, một số "anh hùng bàn phím" nhanh nhảu đưa tin ngay sau thời điểm đó rằng người chồng tử vong, vợ nguy kịch.
Nghiêm trọng hơn là "tin giật gân": có 91 người bỏ trốn khi đang cách ly tập trung tại Bắc Giang. Ngành chức năng khẳng định điều này không hề có. Sáng 2-6, trên mạng đưa tin 29 công nhân ở một khu công nghiệp tại TP.HCM dương tính với COVID-19 khiến bao người không yên. Những thông tin kiểu này gây ra tâm lý bất an nguy hiểm không kém virus.
Tin sai sự thật không đơn thuần là "đăng cho vui", "chém gió, không có thì thôi". Tin giả gây hoang mang, làm phiền các lực lượng đang tập trung chống dịch. Tin thất thiệt còn được tiếp tay bởi các "vua còm" (bình luận) và chia sẻ (share) với tốc độ chóng mặt. Nhấp vào nút "share" là động tác quá đơn giản với mỗi người, nhưng tác hại do nó gieo rắc lại vô cùng lớn cho cộng đồng mạng.
Tôi thường nhận được tin nhắn từ người quen, nhờ xác minh thông tin mới xuất hiện trên mạng xã hội. Những tin về các ca nhiễm đầu tiên hoặc vừa tử vong, thậm chí một chung cư, khu phố nào đó bị phong tỏa luôn được quan tâm nhất. Tôi luôn cố tìm cách tìm hiểu thông tin chính xác và thông tin lại trên mạng. Dù hơi mất thời gian song cũng rất vui khi giúp mọi người có thông tin đúng, ngăn chặn sự phát tán của loại virus sinh ra từ bàn phím.
Tuy nhiên cũng cần sự cảnh giác và tỉnh táo của dân mạng, thông tin nào chưa được kiểm chứng, tuyệt đối không chính xác. Một cú nhấp chuột hoặc chạm màn hình để giải khuây đôi chút nhưng lại có thể khiến nhiều người khổ sở, điêu đứng.
Nhưng phạt nặng người tung tin giả mới là giải pháp cho lâu dài (và không chỉ riêng thông tin giả về dịch bệnh). Tác hại của "tin vịt" luôn rất khôn lường. Phát hiện sớm, ngăn chặn, "phong tỏa" ngay không để "lây nhiễm" ra cộng đồng mới là việc cần thiết nhất. Những trường hợp vi phạm, bên cạnh áp dụng chế tài nghiêm khắc cần phải "cách ly" khỏi mạng xã hội một thời gian để khi trở lại họ sẽ chững chạc hơn, trách nhiệm hơn.
TTO - Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang điều tra, xác minh người tung tin giả về ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP Tam Kỳ vào ngày 20-5.
Xem thêm: mth.50061919030601202-uad-ia-tehc-ioht-iht-oc-gnohk-oig-mehc-ueik-noh-meihgn-ux-gnom/nv.ertiout