Một sớm, tình cờ tôi được đọc bài viết của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng trên trang báo điện tử Vnexpress. net với tiêu đề: “Hộp xốp trong giãn cách”. Ở phần cuối bài viết, tác giả kết luận: “Con cháu chúng ta sẽ phải chịu nhiều tai họa từ thói quen có hại hôm nay. Tại sao ta không nhân dịp dịch bệnh này, thử điều chỉnh lại thói quen, lối sống? Có cần mua quá nhiều quần áo, đồ đạc không, có cần ăn quá no, quá nhiều không? Bởi các khâu sản xuất đều tạo rác thải có hại cho sức khỏe địa cầu. Và lối sống tối giản cũng đã khá phổ biến. Thay đổi thói quen của quốc gia và từng người không dễ. Nhưng không phải bây giờ thì bao giờ?”.
Cũng chỉ mới ngày hôm qua, theo một công bố của Robert Half (một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm - tư vấn tuyển dụng lớn nhất của Canada), thì có khoảng 51% người lao động ở nước này thích mô hình "kết hợp" - làm việc một phần tại nhà và một phần tại văn phòng, khi cần thiết. Đây đó, trên các trang báo khác cũng chia sẻ những bài học để việc ở nhà không nhàm chán hay tạo ra một không gian vui chơi cho trẻ. Có lẽ, câu chuyện ở nhà không chỉ còn là chủ đề của vài người trên các trang cá nhân, trong các mục nhàn đàm mà đã dần trở thành một trải nghiệm thú vị trong cuộc sống hôm nay.
Bấy lâu nay, xu thế “li tâm” khỏi không gian sống đã trở nên khá phổ biến, đặc biệt là với giới trẻ. Việc hạn chế đầu tư tài chính vào các tài sản cố định, vào việc mua sắm vật dụng đắt tiền để thay vào đó là đi và trải nghiệm trở thành mục đích sống. Công bằng mà nói, “xu thế xách ba lô lên và đi” không chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết mà đúng như Samuel Johnson đã từng triết lý: “Travel is the only thing you buy that makes you richer” (Du lịch là thứ duy nhất bạn mua mà khiến bạn giàu thêm). Sự giàu có của nhận thức bao giờ cũng là yếu tố khởi đầu cho mọi khát vọng biến ước mơ thành hiện thực.
Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng những bất ngờ và có thể bất ngờ ấy trở thành bất lợi. Có điều, bạn phải chấp nhận sự đối lập đó như một quy luật tất yếu của hành trình phát triển. Để đến được những đỉnh cao, nhiều khi chúng ta phải vượt qua được những vực thẳm. Khi công nghệ phát triển, trải ra trước mắt chúng ta một viễn cảnh tươi đẹp thì dịch bệnh bùng phát với tính chất phức tạp. Khi chưa tìm ra được phương thuốc để diệt trừ thì việc con người hạn chế đi lại, tiếp xúc là một giải pháp hiệu quả. Hay nói đúng hơn, ở nhà cũng là một nhiệm vụ quan trọng.
Nhưng quả thật, làm việc tại nhà, ở nhà một cách tích cực và hiệu quả, giảm thiểu những nguy hại cho xã hội đâu phải một câu chuyện dễ dàng bởi không thể trong chốc lát thay đổi được những thói quen đã hình thành cả đời người.
Để hiểu rõ hơn điều này, người viết xin được bắt đầu từ một con số. Theo Tổng cục Thống kê, lượng rượu bia mà người Việt tiêu thụ (năm 2020) trung bình là 1,3 lít/ người/ tháng, tương đương với khoảng 3,4 tỷ USD/ năm để chúng ta chi cho việc mua rượu bia. Con số này nói lên điều gì? Ngoài những sự kiện, lễ tết, còn lại là do chúng ta ham vui, cần gặp gỡ, giãi bày hay không thể tự chủ trong suy nghĩ mà cần dựa vào bầu bạn? Trong khi, nhịp sống hiện đại bấy lâu nay đã khiến bạn để lại một khoảng rỗng không nhỏ ngay phía sau lưng mình bởi những khi nhậu nhẹt, tụ tập ấy.
Nhà văn nổi tiếng Johann Wolfgang von Goethe từng nói: “He is happiest, be he king or peasant, who finds peace in his home” (Người hạnh phúc nhất, dù vua chúa hay nông dân, là người tìm thấy sự bình yên dưới mái ấm). Thế nhưng, để thực sự tìm thấy hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình (chứ không phải sự bắt buộc của hoàn cảnh) lại là một vấn đề khác. Hay nói đúng hơn, trong những ngày qua, chúng ta đã tìm thấy sự hứng thú nào ở ngôi nhà của mình chưa?
Có một câu chuyện khá thú vị, trong tối ngày 25/5/2021, nữ doanh nhân Phương Hằng đã có buổi livestream mà theo Báo Thanh niên có tổng số gần 500.000 người xem trực tiếp. Sức hút của sự kiện này có thể đến từ việc bà chia sẻ về một số tên tuổi trong giới showbiz, đặc biệt là câu chuyện NSƯT Hoài Linh cùng số tiền hơn 13 tỉ đồng quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung đang gây tranh cãi trong mấy ngày gần đây; có thể do sự nổi tiếng của chính người “đăng đàn” sau những phát ngôn ấn tượng về vụ thần y Võ Hoàng Yên, về nghệ sĩ, và có lẽ còn đến từ sự nhàn rỗi của hàng trăm ngàn người trong thời điểm đó. Thay vì đi hóng mát, đi gặp gỡ bạn bè, đi bách bộ như mọi khi, giờ đây họ chỉ có thể giết thời gian bằng cách đó chăng?
Kì thực, khó có ai có thể theo dõi một người diễn thuyết suốt ba tiếng đồng hồ nếu như đó không phải là những gì khiến người ta phải suy nghĩ. Chưa vội bàn đến lý lẽ, đến sự hay dở nhưng qua sự kiện này, ít nhiều nó nói lên được xu hướng sống chậm, xu thế suy ngẫm về cuộc sống.
Nắm bắt xu thế này, các nhà kinh doanh đã tìm cách tiếp cận với công chúng bằng sự đồng cảm dựa trên các kênh fanpage. Vị dụ như: MILO tung ra chiến dịch "Ở nhà nhưng đừng ở yên " với những bài tập nhỏ tại nhà; MAGGI cũng đưa ra thông điệp "Cơm nhà ngon khỏe"; NESCAFÉ có các video hướng dẫn làm cà phê bọt biển (Dalgona), cà phê Cappuccino chuẩn "gu" cà phê quán… Các chương trình trên đều hướng con người ta vào những hoạt động tích cực, không để lãng phí thời gian.
Có lẽ, bài học để chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình chưa bao giờ là thừa, đem lại cho mỗi người chúng ta những suy ngẫm thú vị.
1. Mặt trái của đời sống công nghiệp đôi khi khiến bạn không có những khoảng lặng để sống chậm, nghĩ sâu và hiểu đúng về những gì xung quanh. Khi hiểu hơn về từng người thân hay về chính bản thân mình trong những ngày giãn cách cũng là một điều thú vị và có giá trị với mỗi người. Có thể ngồi yên, biết trân trọng những giây phút trong ngôi nhà của mình cũng là cái đích không phải ai cũng tới được. Bởi, sau tất cả những thứ ta theo đuổi, cái còn đọng lại là hạnh phúc là tình cảm, là sự ấm áp trong một gia đình, là những gì tưởng như gần gũi nhất mà kì thực vẫn còn rất xa lạ.
Điều đó phải chăng cũng là thông điệp mà cách đây hơn 30 năm, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm trong truyện ngắn “Bến quê” khi cuối đời nhân vật Nhĩ kịp nhìn ra từ khung cửa sổ của ngôi nhà mình. Biết đâu, một ngày nào đó, những thiếu hụt, những lỗ hổng vô hình trong cuộc sống ấy sẽ trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến sự gắn kết trong gia đình. Giờ đây là dịp may hiếm có để chúng ta gia cố, để sống sâu sắc và tinh tế hơn.
2. Ở nhà là một bài học cho mỗi người. Chúng ta luôn cần những người bạn nhưng cũng cần một bài học về sự đôc lập về tư duy để không lặp lại câu chuyện đáng tiếc về những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi, những bài “đắp mộ cuộc tình” vô ý “chôn vùi” sự bình yên của láng giềng, những cuộc nhậu tụ tâp từng nhóm hay chiếc hộp xốp trong bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Trở về không gian của mình, nơi khởi đầu của tất cả mọi con đường tham vọng, ước mơ âu cũng là sự lắng kết, tích lũy để bắt đầu một hành trình mới. Khi mà bấy lâu nay ta luôn thở than sự bận bịu lấy đi những dự định tự học thêm, tự chăm sóc con cái thì cơ hội được gần gũi chính ngôi nhà của mình là dịp để chúng ta tìm lại được ước mơ ấy. Bởi hoàn thiện chính bản thân cũng chính là cách góp phần đem lại lợi ích cho chính cộng đồng.
Kiến VănXem thêm: /952446-ahn-o-coh-iaB/na-gnoc-ehgn-nav-nad-neid/nv.moc.dnac.acnv