Chiến dịch tiêm vaccine được đẩy nhanh khiến nhiều nền kinh tế lớn và các ngành nghề trong đó có thể lấy đà phục hồi mạnh mẽ từ xây dựng, bất động sản, hay sản xuất công nghiệp. Cũng chính vì thế đã kéo theo giá cả của một loạt các loại nguyên vật liệu tăng lên.
Ngày 2/6, giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% tại Sở Giao dịch Đại Liên, Trung Quốc tăng tới 6 USD 1 tấn. Tại Mỹ, các nhà máy đang đẩy giá thép cuộn cán nóng gần tới ngưỡng 1.600 USD/tấn do nhu cầu tiếp tục tăng cao.
Còn tại Hàn Quốc, hãng thép lớn nhất nước này Posco đang nâng giá thêm 45 USD 1 tấn và các hãng ô tô như Kia hay Huyndai cũng phải chấp nhận thoả thuận này. Giá một số các loại nguyên vật liệu khác như đồng, nhôm và kẽm giao trong 3 tháng tới cũng đang tăng mạnh.
Đối với các nhà sản xuất hay người tiêu dùng những con số này sẽ tác động như thế nào lên lợi nhuận, chi phí sản xuất hay túi tiền của họ?
Ngành sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao
"Thực sự không thích cách làm của Tesla chút nào. Tăng giá xe, trong khi lại loại bỏ một số tính năng" - một người tiêu dùng cho hay.
"Giá tăng là do áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể ở đây là nguyên liệu thô tăng giá" - đây là dòng Tweet được tỷ phú Elon Musk đăng tải trên trang cá nhân nhằm giải thích cho việc vì sao mẫu xe Model Y bị tăng giá tới 14.000 USD.
Theo CEO của Tesla, sở dĩ hãng xe điện này buộc phải cắt giảm trang thiết bị, phần lớn là do chi phí nguyên vật liệu đang tăng quá nhanh.
"Tesla đã bắt đầu thay đổi, ví dụ loại bỏ một số cảm biến hỗ trợ quá trình tự lái. Họ phải làm như vậy, một phần do không có đủ nguyên liệu đầu vào", ông Jeff - Tomasulo - CEO Vespula Capital nói.
Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Mỹ như GM, Ford thậm chí phải tạm dừng một phần hoạt động tại các nhà máy trên khắp thế giới do chuỗi nguyên vật liệu đầu vào bị gián đoạn. Chi phí tăng, sản lượng giảm, các nhà sản xuất ô tô buộc phải chuyển khoản phí gia tăng sang cho khách hàng.
Ngành sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (Ảnh minh họa: Xinhua)
Theo JPMorgan Chase, tính đến tháng 3, ước tính giá nguyên liệu thô vốn chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất một chiếc xe hơi đã tăng hơn 80%. Điều này có nghĩa một chiếc ô tô 40.000 USD sẽ phải tăng giá thêm 8,3% để bù đắp cho chi phí sản xuất.
Còn tại Trung Quốc, những hạt nhựa nhỏ cũng đang được các nhà sản xuất ô tô đặc biệt săn đón. Nguồn cung hạn chế, giá loại nhựa vốn dùng để sản xuất bảng điều khiển và nắp động cơ này lại tăng quá nhanh, khiến các dây chuyền lắp đặt chịu tác động không hề nhỏ.
Bà Shi Zhaohui - Giám đốc Phòng Doanh nghiệp, Cục Thống kê Quốc gia cho biết: "Trong tháng 5, cả Chỉ số giá mua nguyên liệu chính và Chỉ số giá sản xuất đều đạt mức kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây".
Theo các chuyên gia, hiện giá ô tô trên thị trường Trung Quốc đã tăng trong khoảng từ 2 - 7% từ tháng 8/2020 cho đến nay.
Doanh nghiệp cáp tại Trung Quốc thua lỗ do giá nguyên liệu tăng
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nguyên vật liệu thô nhiều nhất thế giới. Trong vài tuần qua, khi mọi người còn tập trung vào diễn biến giá vàng, dầu, hay thậm chí là tiền ảo, thì trên thị trường nguyên vật liệu thô cũng đã diễn ra một màn lên xuống giá chao đảo.
Không chỉ ngành sản xuất ô tô cảm nhận sức nóng của gía tăng, mà mới đây, một đại diện doanh nghiệp sản xuất dây cáp tại tỉnh Giang Tô đã bày tỏ lo ngại về sự lên giá chóng mặt của kim loại đồng.
Ông Dai Yongtuo - Giám đốc doanh nghiệp thiết bị điện Giang Tô cho biết: "Một số hợp đồng kí vào 2 tháng trước, giá đồng mua vào còn là 50.000 Nhân dân tệ 1 tấn nhưng nay đã là 70.000 Nhân dân tệ 1 tấn.
Nếu giá nguyên liệu đồng tiếp tục tăng, chúng tôi buộc phải cắt giảm sản lượng để tránh bị thua lỗ. Nếu giá nguyên liệu thô tăng khoảng 50%, chẳng doanh nghiệp sản xuất nào có thể trụ được".
Nguyên nhân đà tăng giá nguyên liệu thô
Trung Quốc là công xưởng thế giới gần như sản xuất bình thường như trước dịch nhưng lại bị nhiều điểm nghẽn về nguyên liệu dẫn đến hụt nguồn cung quặng sắt, than từ Australia do căng thẳng Trung Quốc - Australia, giá thuê tàu vận chuyển tăng. Thiếu nguyên liệu, linh kiện cho sản xuất nên giá tăng theo.
Nhiều ngành sản xuất tăng tốc, giá đầu vào càng tăng. Bị ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp lắp ráp đồ điện tử, năng lượng. Các doanh nghiệp này đối mặt với khó khăn kép khi đầu vào tăng cao nhưng sản phẩm bán ra thị trường lại hầu như tăng rất ít vì các chính sách kiềm chế lạm phát, cũng như chi tiêu của người dân thời dịch bệnh.
Ở Trung Quốc những chỉ đạo từ Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia là có giá trị rất cao. Sau khi hàng loạt nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là sắt thép, Ủy ban này có ngay chỉ đạo các doanh nghiệp quốc doanh khai khoáng tăng khai thác nguyên liệu, các doanh nghiệp thép hạn chế xuất khẩu để tăng lượng cung trong nước.
Song song đó, các sàn giao dịch hàng hóa trọng điểm tăng phí giao dịch, nâng hạn ngạch các hợp đồng quặng sắt, đồng tương lai, để hạn chế đầu cơ. Hành vi đầu cơ sẽ phải bị xử lý nghiêm. Giá thép 2 tuần cuối tháng 5 giảm gần 20%.
Giá thép tại Trung Quốc thời gian qua tăng cao. (Ảnh minh họa: SCMP)
Do nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch lớn nên giá thép đang có chiều hướng tăng trở lại. Việc kiềm chế giá hiện nay cũng khó vì nhiều nguyên liệu đầu vào phụ thuộc bên ngoài và nhu cầu phục hồi sau đại dịch từ Mỹ, châu Âu cũng tăng.
Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ chỉ kiểm soát giá ở một số mặt hàng như sắt thép, còn lại nhu cầu thị trường cùng những diễn biến khó lường từ dịch bệnh sẽ quyết định giá.
Đối với làn sóng tăng giá lần này, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ chỉ là chu kỳ tăng giá nhỏ, không phải siêu chu kỳ như trước. Tuy nhiên, trong vòng 6 - 12 tháng tới, đà tăng của các nguyên liệu vẫn có thể tiếp diễn.
Bên cạnh đó, những diễn biến từ dịch bệnh vẫn đang tác động mạnh tới thay đổi giá của các nguyên liệu này, cùng với đó là sự chủ động kiểm soát giá từ phía các Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.77443706040601202-ueil-neyugn-aig-oab-noc-court-gnud-ueid-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv