Mặt bằng lãi suất huy động hiện dao động quanh mức 5,1 - 6,8% với kỳ hạn 12 tháng, với mức tăng thời gian qua từ 0,1 - 0,9% tại một số kỳ hạn và tại một số ngân hàng.
Ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao, Ngân hàng BIDV cho hay: "Có một số dòng chuyển từ kênh ngân hàng sang chứng khoán, khiến thanh khoản hệ thống năm nay không dồi dào và buộc một số tổ chức tăng lãi suất, nhưng đó chỉ là cục bộ"
Đáng chú ý, tỷ lệ tiền cho vay/tiền huy động, theo quy định chỉ được 85%, nhưng tại một số ngân hàng đã vượt 100% bởi tín dụng tăng mạnh từ đầu năm. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động càng lớn để đảm bảo tỷ lệ này.
Ảnh minh họa - Dân trí
"Mặt bằng huy động có xu hướng tạo đáy quý I và nhích lên nửa cuối năm 2021. Vì nhu cầu cuối năm mạnh hơn, cũng như lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bắt dầu từ tháng 10", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, VNDirect nhận định.
Dù lãi suất huy động có nhích tăng, tuy nhiên các chuyên gia đều nhấn mạnh, lãi suất cho vay sẽ duy trì ổn định từ nay tới cuối năm, với cam kết của ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân ứng phó với COVID-19.
Dù lạm phát sẽ chịu áp lực tăng từ giá cả thế giới trong những tháng cuối năm, gây áp lực tăng lãi suất, nhưng chuyên gia cho rằng, lạm phát cả năm vẫn sẽ trong tầm kiểm soát dưới 4%, cụ thể là dao động ở mức 3,4 - 3,6%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.38360215040601202-taos-meik-coud-taus-ial-gnat-cul-pa/et-hnik/nv.vtv