Thái Lan hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động để tránh làn sóng thất nghiệp
Lê Linh
(KTSG Online) – Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ chi trả 50% mức lương hàng tháng cho người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm ngăn chặn làn sóng sa thải trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tê liệt nhiều hoạt động kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á.
Một shop bán áo quần ở chợ Chatuchak, Bangkok, Thái Lan ế ẩm trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Bangkok Post |
Chung tay với SME trả lương cho người lao động
Phó thủ tướng Thái Lan, Supattanapong Punmeechaow cho hay biện pháp hỗ trợ mới này sẽ chính thức được đề xuất tại cuộc họp của Trung tâm Quản lý tình hình kinh tế quốc gia Thái Lan vào ngày 4-6. “Chương trình chung tay trả lương phải được thực hiện càng sớm càng tốt để hỗ trợ các SME duy trì hoạt động kinh doanh và giữ lại người lao động”, ông Punmeechaow nói.
Ông cho biết nguồn kinh phí cho chương trình này sẽ lấy từ khoản ngân sách 300 tỉ baht mà chính phủ dành riêng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba hiện nay hoặc khoản ngân sách 170 tỉ baht được phân bổ để kích thích đầu tư, tiêu dùng cũng như duy trì việc làm. Ông nói: “Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDC) đã được giao nhiệm vụ phối hợp với Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) và Phòng Thương mại Thái Lan để xác định các SME đủ tiêu chuẩn nhận sự hỗ trợ này”.
Hồi đầu tuần này, Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDC) cho biết GDP trong quí 1 của Thái Lan suy giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng trước, NESDC dự báo kinh tế Thái Lan tăng trưởng 1,5-2,5% trong năm 2021, giảm so với mức dự báo tăng 2,5-3,5% đưa ra hồi tháng 2. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Sethaput Suthiwartnarueput nói rằng nền kinh tế Thái Lan chưa thể trở về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch cho đến đầu năm 2023, tức chậm hơn 3 quí so với dự báo trước đó. |
Theo ông Punmeechaow, các SME đủ tiêu chuẩn nhận tiền hỗ trợ trả lương cho người lao động bao gồm những doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp từ gói hỗ trợ cho vay trị giá 250 tỉ baht của Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Ông cho biết chương trình hỗ trợ trả lương này có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Chủ tịch FTI, Supant Mongkolsuthree cho biết, chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động thích hợp với một số ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng, chẳng hạn chuỗi cung ứng của ngành xuất khẩu, nhưng không thích hợp với ngành du lịch vốn đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề trong một thời gian dài. Năm ngoái, chính phủ Thái Lan cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.
Gần đây, NESDC ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan có thể tăng vọt trong năm 2021 do tác động nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3. Theo Tổng Thư ký NESDC, Danucha Pichayanan, người lao động ở các doanh nghiệp SME và các doanh nghiệp siêu nhỏ đang chịu tổn thất lớn nhất, chẳng hạn bị cắt giảm giờ làm việc khi doanh nghiệp nơi họ làm việc chịu đòn giáng nặng nề từ đại dịch Covid-19 kể từ năm ngoái.
Ông Pichayanan cho rằng nếu đợt bùng phát Covid-19 hiện nay không bị khống chế nhanh chóng, các SME có thể không thể tiếp tục hoạt động, dẫn đến họ phải sa thải lao động vĩnh viễn, khiến đà phục hồi kinh tế đất nước bị trì hoãn. Ông cũng cảnh báo, hiện nay không có đủ số lượng việc làm mới cho các sinh viên mới tốt nghiệp trong thời gian gần đây. Nếu nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, giới doanh nghiệp có thể trì hoãn tuyển dụng, ảnh hưởng đến 490.000 sinh viên mới tốt nghiệp.
NESDC cho biết trong quí 1 năm nay, dưới tác động của các làn sóng lây nhiễm Covid-19 nối tiếp nhau, tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua.
Trợ cấp tiêu dùng cho người dân
Chương trình hỗ trợ 50% chi tiêu mua sắm cho người dân của chính phủ Thái Lan được triển khai ở một quán bán đồ ăn vặt ở Thái Lan hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Bangok Post |
Hôm 1-6, chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 140 tỉ baht (4,5 tỉ đô la Mỹ) để chống chọi tác động của đại dịch Covid-19. Kulaya Tantitemit, Vụ trưởng Vụ chính sách tài khóa thuộc Bộ Tài chính Thái Lan nói rằng, gói kích thích mới sẽ nhắm đến 51 triệu người với kỳ vọng sẽ bơm 473 tỉ baht từ chi tiêu của chính phủ và người dân vào nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Các biện pháp kích thích sẽ bao gồm trợ cấp tiền mặt cho những người có thu nhập thấp, trợ cấp mua sắm cho người dân và tặng phiếu mua hàng (voucher).
Cụ thể, 91 tỉ baht trong gói kích thích mới sẽ được sử dụng để trợ cấp 50% chi phí mua sắm thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng cho 31 triệu dân nhưng không quá 150 baht (111.000 đồng VN) /người/ngày, không quá 1.500 baht/người trong mỗi chu kỳ 3 tháng và không quá 3.000 baht /người trong xuyên suốt chương trình trợ cấp. Điều này cũng có nghĩa là người dân phải mua sắm để được nhận trợ cấp.
Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Anucha Burapachaisri cho hay, các biện pháp kích thích này sẽ được triển khai trong tháng 7 và kéo dài đến tháng 12. Tháng trước, Thái Lan cũng đã phê duyệt gói kích thích 85,5 tỉ baht để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Ông Anucha Burapachaisri nói rằng, nguồn kinh phí hai gói kích thích trên sẽ lấy từ chương trình vay 1.000 tỉ baht (32 tỉ đô la Mỹ) của chính phủ Thái Lan để cứu nền kinh tế đã được thông qua vào tháng 4 năm ngoái. Tuần trước, Quốc vương Thái Lan, Maha Vajiralongkorn cũng đã phê chuẩn kế hoạch vay thêm 16 tỉ đô la Mỹ theo đề xuất của chính phủ Thái Lan nếu chương trình vay 1.000 tỉ baht được sử dụng hết.
Hôm 3-6, Thái Lan ghi nhận có thêm 3.886 ca nhiễm Covid-19 và 39 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 169.348, gồm 1.146 ca tử vong. Thủ đô Bangkok tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh với 955 ca nhiễm mới. Trong vòng 24 giờ qua, có thêm 146.917 người dân Thái Lan được tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ nhất, 58.721 người được tiêm mũi thứ hai, nâng tổng số người được tiêm vaccine Covid-19 ở Thái Lan lên 3.959.356 người. |
Theo Bangkok Post, Bloomberg