vĐồng tin tức tài chính 365

Từ chuyện lithium: Nhìn về những tranh cãi liên quan đến xuất khẩu tài nguyên

2021-06-04 10:35

Từ chuyện lithium: Nhìn về những tranh cãi liên quan đến xuất khẩu tài nguyên

Dương Văn Học

(KTSG) - Như lẽ thường, công nghiệp hóa bùng nổ sẽ dẫn đến tiêu hao càng nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguyên liệu và năng lượng. Nền kinh tế thông minh và các cải tiến công nghệ làm cho hoạt động sản xuất phụ thuộc vào một số tài nguyên nhất định.

Đất hiếm, mangan, lithium... được xem là những nguyên tố “hiếm có khó tìm” tối quan trọng cho hầu hết các sản phẩm công nghệ, thông minh hiện nay.

Khi cuộc sống chúng ta được thỏa mãn hơn, tiện nghi hơn với những thiết bị hiện đại, thì đầu bên kia của chuỗi sản xuất thật sự là một cuộc chiến về cung ứng tài nguyên. Đúng với cái tên “tài nguyên thiên nhiên”, những vật chất này là của tự nhiên, nó phân bổ không cân xứng giữa các quốc gia, các vùng miền.

Hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” là chuyện thường trong câu chuyện tài nguyên này. Nhưng khi cả thế giới hiện nay cùng đua nhau sản xuất, đua nhau cạnh tranh thì việc nắm giữ tài nguyên chủ chốt là một công cụ lợi hại cả về kinh tế lẫn chính trị.

Nếu như ở giữa cuối thế kỷ trước, nguồn tài nguyên thô chảy về phía hai trung tâm sản xuất là Mỹ và châu Âu thì bối cảnh hiện nay tương đối “phẳng” hơn. Với sự nổi lên của Trung Quốc như công xưởng của thế giới và làn sóng công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, Mỹ và châu Âu đã không còn “một mình một chợ”.

Nhiều học giả cho rằng chính sách ngoại giao và đầu tư mở rộng của Trung Quốc tại các nước châu Phi giàu khoáng sản ẩn đằng sau đó là một chiến lược kiểm soát tài nguyên. Gần đây, báo chí đưa tin về giá thép tăng hay sự bùng nổ cạnh tranh xe điện đều có đề cập đến nguồn cung các nguyên liệu kim loại nói trên. Cuộc chiến về tài nguyên sẽ càng khốc liệt hơn khi hiện tại đã xuất hiện những rạn nứt của toàn cầu hóa kinh tế và chuỗi cung ứng.

Việc nắm giữ tài nguyên cốt lõi là một lợi thế so sánh tương tự như nắm giữ bí quyết công nghệ cốt lõi, cho nên, chúng ta phải cân nhắc để sử dụng chúng hiệu quả ở nhiều mặt, kể cả ngoại giao kinh tế.

Câu chuyện đất hiếm 

Đất hiếm được ví như vitamin cho các ngành công nghiệp hiện đại, và dĩ nhiên cả trong chế tạo khí tài quân sự tiên tiến. Về mặt môi trường, hậu quả từ hoạt động khai thác đất hiếm có thể là một thảm họa.

Vào những năm 1990, Mỹ từng là một người khổng lồ trong sản xuất đất hiếm nguyên liệu để phục vụ cho nền công nghệ dẫn đầu của mình. Nhưng dần dần người Mỹ đã nhận ra hậu quả môi sinh tồi tệ của những dự án đất hiếm, cũng như gặp phải phản đối gay gắt từ các nhà hoạt động môi trường. Họ đã tạm thời cắt giảm hoạt động khai thác đất hiếm trong nước, tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài.

Trung Quốc, với trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, đã vươn lên là nhà cung cấp chủ chốt nguyên liệu này trong hơn 20 năm qua. Theo thống kê năm 2019, Trung Quốc sản xuất hơn 80% nguồn đất hiếm cho thế giới, và dĩ nhiên, ngành công nghiệp điện tử - thông minh của cả thế giới đều phụ thuộc Trung Quốc về nguyên liệu này. Và khi nhu cầu cho việc sản xuất trong nước gia tăng, Trung Quốc đã “giữ lại riêng mình” nguồn kim loại nguyên liệu bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Đột ngột bị chặn nguồn cung, một số quốc gia phụ thuộc (Mỹ, châu Âu, Mexico, Nhật Bản) đã kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và cuộc chiến pháp lý quốc tế về cạnh tranh tài nguyên tại WTO bắt đầu.

Tranh cãi tại WTO về xuất khẩu tài nguyên

Chúng ta cần một “đánh đổi” công bằng với các nước cần nguồn nguyên liệu quý và hiếm này từ phía ta, chứ không hẳn là xuất khẩu thô.

Thật ra câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm nguồn cung đã được đem ra thảo luận khi thành lập WTO hơn 30 năm về trước. Và vấn đề kiểm soát nguồn cung tài nguyên cũng là chủ đề nóng cho các nước giàu tài nguyên khi gia nhập sau như Trung Quốc, Nga hay Ảrập Saudi. Nhưng luật lệ WTO dường như bị chi phối bởi các đòi hỏi tiếp cận thị trường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu - người bán, mà dành ít quan tâm từ phía nhập khẩu - người mua. Trong trường hợp này là các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung tài nguyên.

Đến nay đã có hai vụ kiện được giải quyết xong liên quan đến các biện pháp hạn chế xuất khẩu tài nguyên của Trung Quốc. Về nguyên tắc, luật lệ WTO cấm áp dụng các công cụ hạn chế xuất khẩu như hạn ngạch hay hạn chế số lượng, trừ thuế xuất khẩu. Điều này có nghĩa thuế xuất khẩu được xem là công cụ hợp pháp duy nhất để hạn chế xuất khẩu tài nguyên. Nhưng các quốc gia khát tài nguyên cũng rất khôn ngoan, họ đã “khóa tay” Trung Quốc trong việc sử dụng thuế xuất khẩu đối với tài nguyên bằng một cam kết trong “Văn kiện gia nhập...” của nước này. Đây được xem là cái giá của “kẻ đến sau”.

Về nguyên tắc là cấm, nhưng luật lệ WTO có đến tám ngoại lệ mà quốc gia có thể vin vào nếu muốn áp dụng các hạn chế xuất khẩu. Vì đây là tài nguyên thiên nhiên, nên Trung Quốc tranh cãi rằng họ có quyền ban hành hạn chế xuất khẩu nhằm mục đích bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các thẩm phán của WTO thì không nghĩ vậy. Sau khi xem xét, họ cho rằng việc hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc thiên về công cụ hỗ trợ cho sản xuất trong nước hơn là bảo tồn tài nguyên.

Bởi vì, nếu vì mục đích bảo tồn tài nguyên thì chuyện hạn chế xuất khẩu phải gắn với các biện pháp hạn chế sản xuất hay tiêu thụ tài nguyên. Tóm lại, một khi các quặng kim loại được khai thác và đưa vào thương mại thì chuyện ngăn chặn các nguyên liệu này “chảy” ra khỏi quốc gia có thể vướng vào các tranh cãi pháp lý phiền phức.

Để nguồn tài nguyên hiếm thật sự là lợi thế cạnh tranh

Việt Nam được đánh giá là có trữ lượng đất hiếm lớn (xếp thứ ba thế giới), tập trung ở khu vực Tây Bắc. Nước ta đã có dự án hợp tác với Nhật Bản để nghiên cứu và khai thác đất hiếm, nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả ở quy mô công nghiệp. Có thể thấy việc hợp tác khai thác này có liên quan ít nhiều đến những tranh cãi về xuất khẩu tài nguyên hiếm tại WTO khi Nhật Bản là một trong những nước đứng đơn khởi kiện.

Tương tự, hiểu được sự nguy hiểm khi phải phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh công nghệ trực tiếp với mình, Mỹ đã dần khôi phục lại vị thế sản xuất đất hiếm trong những năm gần đây. Đối với những nước khó tự chủ nguồn cung trong nước, thì việc tìm đến các quốc gia có trữ lượng tiềm năng như nước ta là điều hiển nhiên. Nhưng cần làm gì để sử dụng hiệu quả lợi thế cạnh tranh đặc biệt này?

Chúng ta cần một “đánh đổi” công bằng với các nước cần nguồn nguyên liệu quý và hiếm này từ phía ta, chứ không hẳn là xuất khẩu thô.

Đầu tiên là chú trọng về công nghệ khai thác và yếu tố môi trường. Thực tế việc khai thác và tinh chế đất hiếm gây ra rất nhiều tổn hại môi trường như minh chứng trong trường hợp của Trung Quốc, nên chúng ta không thể đánh đổi hay hạ thấp tiêu chí này.

Thứ hai, như một điều kiện đàm phán về kinh tế, là các quốc gia sử dụng đất hiếm khai thác từ nước ta cần phải di chuyển ngành sản xuất linh kiện gắn liền với nguyên liệu đất hiếm đến nước ta. Khi nhu cầu đất hiếm nguyên liệu trong nước gia tăng, chúng ta cần chú ý khi ban hành chính sách xuất khẩu để hạn chế những tranh cãi pháp lý phiền phức.

Cuối cùng, việc nắm giữ tài nguyên cốt lõi là một lợi thế so sánh tương tự như nắm giữ bí quyết công nghệ cốt lõi, cho nên, chúng ta phải cân nhắc để sử dụng chúng hiệu quả ở nhiều mặt, kể cả ngoại giao kinh tế.

Xem thêm: lmth.neyugn-iat-uahk-taux-ned-nauq-neil-iac-hnart-gnuhn-ev-nihn-muihtil-neyuhc-ut/798613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Từ chuyện lithium: Nhìn về những tranh cãi liên quan đến xuất khẩu tài nguyên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools