Theo đó, IPP Air Cargo vừa trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập dự án hãng hàng không vận tải hàng hóa - phạm vi nội địa và quốc tế - với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu còn 70% từ các cổ đông khác.
Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa nào (Ảnh minh họa) |
IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh hôm 10/3 là DN thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ vai trò chủ tịch IPPG đồng thời là chủ tịch IPP Air Cargo.
Theo hồ sơ, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên. Năm thứ hai, đội bay sẽ tăng dần lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ ba. Đồng thời, lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa trong năm đầu tiên, với mục tiêu vận hành chuyến bay thương mại đầu tiên từ quý II/2022, doanh thu đạt 71 triệu USD và có lãi từ năm thứ tư.
Việc thành lập hãng bay vận tải hàng hóa của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lúc này được xem là bước đi khá hợp lý khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nội địa và quốc tế đang ngày càng cao. Riêng trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa mà các hãng hàng không Việt ghi nhận đạt 1,3 triệu tấn. Hiện 80% lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển bằng đường hàng không đi, đến Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện. Cả 6 hãng hàng không trong nước vẫn chưa có hãng nào chuyên chở hàng hóa.
DN của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang có thị phần đáng kể trong các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại các sân bay, như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) - đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế, trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ tại sân bay này và nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC).
Quốc Thái