Lần thứ 3, Chính phủ quyết định giảm giá điện cho người dân do những tác động bất lợi của dịch bệnh COVID-19. Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành nghị quyết số 55, thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.
Việc giảm giá điện đợt 3 có tổng số tiền 1.570 tỷ đồng, tập trung ưu tiên cho các cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19. Trước đó, năm 2020, Bộ Công Thương, EVN đã có 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho hầu hết khách hàng với tổng số tiền hơn 12.260 tỷ đồng.
Như vậy, 3 đợt giảm giá điện trong năm 2020, 2021 bằng hơn một nửa số tiền Bộ Tài chính dự kiến mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 75 triệu người. Số tiền không hề nhỏ nhưng chia sẻ khó khăn với người dân, giảm bớt gánh nặng do những chi phí không lợi nhuận lúc này là cần thiết.
Cái mà người dân cần là những hỗ trợ thiết thực, kịp thời, cụ thể.
Chẳng hạn như quyết định của ngành Lao động - Thương binh - Xã hội, hỗ trợ 80.000đ/ngày tiền ăn cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19. Không chỉ hỗ trợ dinh dưỡng, cơ quan này cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em tại các địa bàn giãn cách xã hội với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đã tác động rất lớn đến những nỗ lực phục hồi kinh tế, đến sinh kế và thu nhập của hàng triệu gia đình.
Chỉ tính 5 tháng đầu năm nay, gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 1, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.
Trong những đối tượng bị ảnh hưởng thu nhập thì người nghèo, người yếu thế, tầng lớp lao động với việc làm bấp bênh là đối tượng chịu tác động mạnh nhất. Hơn ai hết, họ cũng cần được Nhà nước hỗ trợ bởi với họ, "ráo mồ hôi là ráo tiền". Trong khi chờ đợi những chính sách mang tính vĩ mô, mất nhiều thời gian, ngay lúc này, họ cũng mong muốn được hỗ trợ những khoản chi phí hàng tháng như tiền điện, tiền nước...
Năm 2020, đối mặt với làn sóng COVID-19, nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng thì những chính sách an sinh xã hội chính là chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu, triệu người trên toàn thế giới.
Tại Pháp, Chính phủ nới lỏng quy định hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp một phần, tức là hỗ trợ thu nhập cho người lao động dù chưa hẳn là mất việc làm song bị giảm lương, giảm giờ làm do COVID-19. Phạm vi hưởng hỗ trợ cũng được mở rộng đến cả nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng vụ việc hoặc hợp đồng làm việc theo ngày/giờ; thời gian giải quyết chỉ còn 48 giờ kể từ khi cơ quan chức năng nhận đủ hồ sơ, đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi cho người lao động.
Ở Italy, Chính phủ đã thông qua sắc lệnh chi 27,8 tỷ USD bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty để đảm bảo việc chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa. Trong khi đó, chính phủ Anh thực hiện chương trình nghỉ phép kéo dài, chi trả tới 80% tiền lương cho khoảng 10 triệu nhân viên của khu vực tư nhân trong giai đoạn đại dịch. Đáng chú ý, các quy định được linh hoạt điều chỉnh cho phép người lao động làm việc bán thời gian để cải thiện thu nhập bên cạnh khoản hỗ trợ thất nghiệp.
Tại Đức, chính sách hỗ trợ thu nhập cũng đã được thực hiện, theo đó tỷ lệ hỗ trợ được nâng lên, từ việc hỗ trợ 60% thu nhập, tăng lên 70% thu nhập của người lao động, với trường hợp có con nhỏ sẽ được hưởng từ 80-87%.
Còn tại Việt Nam, năm 2020, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 như người có công, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp... Theo đánh giá của người dân và nhiều các chuyên gia thì đây thực sự là chương trình ý nghĩa, cần thiết nhằm hỗ trợ đối tượng lao động, doanh nghiệp gặp khó do đại dịch. Ý nghĩa là vậy, nhưng thực tế thì việc triển khai công tác hỗ trợ lại gặp nhiều khó khăn, thời gian giải ngân chậm, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.
Rõ ràng, các biện pháp an sinh xã hội là một thành phần quan trọng trong ứng phó khẩn cấp của Chính phủ thời đại dịch.
Tại thời điểm này, toàn xã hội chung tay để mua vaccine, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tại thời điểm này, hàng triệu người dân một lần nữa tỏ rõ trách nhiệm với Tổ quốc, trong đó có đội ngũ y tế tuyến đầu.
Và cũng tại lúc này, thêm nhiều đối tượng trong xã hội mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, như "một liều vaccine" để họ vơi bớt những khó khăn .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26933552140601202-91-divoc-ioht-hnis-na-neyuhc-uac-av-neid-aig-maig-nal-3/et-hnik/nv.vtv