Ngày 4-6, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận đã ký công văn gởi các Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế huyện, thị xã thành phố và các Bệnh viện Đa khoa An Phước, Tâm Phúc về việc triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Máy xét nghiệm Realtime PCR đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Công văn này cho biết, để thực hiện quản lý tốt các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, thời gian qua chủ yếu dựa vào xét nghiệm Realtime RT-PCR. Kỹ thuật này cho kết quả chính xác nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, trong khi đó đang rất cần phát hiện nhanh, sớm để kịp thời quản lý, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ngoài sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng đã được phát triển, góp phần đa dạng hóa các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút, có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm.
Do đó, căn cứ vào Quyết định của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, Sở Y tế hướng dẫn việc triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 tại các đơn vị như sau:
Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 không dùng để thay thế cho xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 (Realtime RT-PCR) mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc COVID-19.
Áp dụng tại các cơ sở đủ năng lực và có thể thực hiện được xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các cơ sở xét nghiệm căn cứ nguồn lực, tình hình dịch bệnh, nhu cầu xét nghiệm để triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong việc giám sát bệnh COVID-19. Phòng xét nghiệm thực hiện đánh giá các giá trị chẩn đoán (độ nhạy, độ đặc hiệu) của sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 trước khi triển khai và chịu trách nhiệm về chất lượng xét nghiệm.
Việc lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tại phòng xét nghiệm hoặc các điểm giám sát lưu động phải bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người và ra môi trường.
Các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 tổ chức thực hiện. Trong đó, chú ý đến các giai đoạn dịch bệnh đang xảy ra trên địa bàn tỉnh để áp dụng thực hiện xét nghiệm cho phù hợp.
Yêu cầu Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, theo dõi, tham mưu phê duyệt kế hoạch, chỉ đạo, giám sát việc triển khai công tác xét nghiệm tại các đơn vị y tế và các điểm giám sát lưu động để bảo đảm xét nghiệm COVID-19 kịp thời và tránh lãng phí các nguồn lực.
Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế, tham mưu đầu tư kịp thời cho công tác xét nghiệm tại các đơn vị y tế trong việc triển khai công tác xét nghiệm COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị triển khai lấy mẫu, xét nghiệm sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Y tế;
Thẩm định đánh giá khả năng thực hiện tại Phòng xét nghiệm và các điểm giám sát lưu động của các đơn vị về triển khai xét nghiệm COVID-19 sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên về: nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, an toàn sinh học, sinh phẩm sử dụng và khả năng triển khai thực hiện cũng như phương án (xử lý môi trường, quản lý trường hợp có kết quả dương tính) triển khai tại đơn vị; báo cáo kết quả thẩm định về Sở Y tế bằng văn bản.
Theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm tại các đơn vị sau khi được Sở Y tế thống nhất (nếu đủ điều kiện triển khai xét nghiệm).
Các Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa và Trung tâm Y tế: Xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị các điều kiện cần thiết của Phòng xét nghiệm và các điểm giám sát lưu động phải bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người và ra môi trường để Trung tâm iểm soát bệnh tật tỉnh thẩm định, đánh giá, khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo kết quả trước ngày 15-6.