Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 100.000-150.000 đồng - Ảnh: NHẬT THỊNH
Theo chia sẻ của một số địa phương tại TP.HCM, trong quá trình triển khai thực hiện nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc xử lý một số hành vi vi phạm về môi trường không khả thi do không đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện.
Đặc biệt là vi phạm quy định vệ sinh nơi công cộng (vứt rác, đầu mẩu thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng)...
Chẳng hạn hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, nghị định 155/2016 quy định mức phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, với mức phạt này, nhiều người vi phạm là người chạy xe ôm hay anh lao công... gần như không có khả năng đóng. Chưa kể địa phương cũng không thể cưỡng chế đóng phạt, càng không thể lập biên bản ra rồi để đó.
Trong nghị định 55 sắp có hiệu lực mức phạt chỉ còn 100.000 - 150.000 đồng. Tương tự, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định sẽ giảm đi 12 lần, thay vì phạt 1-3 triệu đồng như hiện nay thì chỉ bị phạt 150.000 - 250.000 đồng. Còn hành vi vứt rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định sẽ đóng phạt 500.000 - 1 triệu đồng, trong khi hiện nay phạt 3-5 triệu đồng.
Đối với hành vi bị phạt nặng nhất hiện nay là điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông với mức phạt 7-10 triệu đồng sẽ giảm còn 2-4 triệu đồng.
Khi soạn thảo nghị định mới để bổ sung, sửa đổi nghị định 155, cơ quan chức năng đánh giá việc quy định mức phạt cao trước đây đã tạo tính răn đe nghiêm khắc. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt.
Vì vậy khi bổ sung, sửa đổi luật sẽ theo hướng giảm mức xử phạt để phù hợp với thẩm quyền, khả năng xử phạt của cơ quan chức năng địa phương. Điều này giúp việc bảo vệ môi trường hiệu quả, khả thi hơn.
TP.HCM nỗ lực giữ vững kết quả chỉ thị 19
Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết việc giữ gìn vệ sinh môi trường đang được gắn chặt với cuộc vận động "Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" theo chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM (năm 2019).
Đây là một nội dung quan trọng trong thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian qua các sở ngành đang tập trung về công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen của người dân để chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt về vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên sở này cũng nhận định bên cạnh các kết quả đáng khích lệ vẫn còn các khó khăn, thách thức. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa tiếp cận được đến 100% dân cư trên địa bàn.
Do đó dẫn tới hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận dân cư vẫn chưa được cải thiện, một số tuyến đường, khu vực công cộng, công trường xây dựng... còn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi.
Yếu tố hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội (hệ thống camera phục vụ quản lý chưa đảm bảo số lượng, phương tiện thu gom rác thải còn thô sơ, tiến độ chuyển đổi chậm...).
TTO - Nhiều người vẫn nghĩ hút thuốc là "chuyện của mình", vô tư nhả khói mà quên rằng pháp luật đã quy định nơi nào mới được hút. Cũng chẳng mấy ai nghĩ chuyện mình đang "đầu độc" bao người vì khói thuốc lá.