Gặp chị Nguyễn Thị Loan (37 tuổi, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) trong một buổi chiều nắng gắt tại chốt kiểm dịch vào xã Kim Chung. Nếu không hỏi chuyện, không ai biết người đang làm nhiệm vụ gác cổng này là chủ một trường mầm non tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Từ sau khi UBND TP Hà Nội yêu cầu cho học sinh tạm dừng đến trường, chị Loan và các cô giáo đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Không thu nhập, không có học sinh nhưng mỗi tháng vẫn trả tiền mặt bằng. Nhiều đêm trăn trở mà không chợp được mắt", chị Loan chia sẻ.
Nhưng khi nhắc về những giáo viên trong trường, khóe mắt chị bỗng rưng rưng rơi lệ. Tất cả giáo viên thất nghiệp hết lần này, đến lần khác. “Năm ngoái, các cô phải làm đủ nghề, thậm chí cả việc dọn dẹp, bốc vác thuê để kiếm sống trong thời gian dài. Nay tiếp tục mất việc, mọi người không biết dựa vào đâu”, chị Loan nói.
Xót xa trước hoàn cảnh cuả các giáo viên, ngày cuối cùng đi làm, chị Loan bỏ vào mỗi chiếc phong bì 400 nghìn đồng rồi nắm tay động viên các cô “cố gắng qua đợt này, chắc sẽ sớm ổn thôi”. Hôm đó, lớp học không còn cảnh cười vui đón trẻ, ai cũng nhìn nhau thở dài, nghẹn ngào rồi lẳng lặng trở về, không biết bao giờ mới hết cảnh này.
“Mỗi khi mình ngồi trong quạt mát, ăn gì ngon, mình lại thương các cô. Các cô đều rất chân chất, chăm chỉ. Mang tiếng là giáo viên, nhưng không khác gì lao động tự do, phải làm thêm đủ nghề. Có người giờ kiếm vài chục nghìn một ngày còn khó”, chị Loan nói.
Thế rồi, chị trăn trở tìm cách để giúp các cô kiếm đồng ra, đồng vào trong những ngày thất nghiệp. Nhận thấy nhiều loại trái cây đang tới vụ thu hoạch, chị Loan tận dụng mối quan hệ của mình để mua hoa quả với giá tốt rồi kêu gọi các cô cùng bán.
Hằng ngày, cứ tầm 5h sáng, chị lại phóng xe vượt hơn 30km từ nhà lên Sóc Sơn chở từng thùng hoa quả lên trường.
Đèo thùng hàng sau xe, hằng ngày chị Loan trở hoa quả hơn 30km lên trường để phân chia cho giáo viên đi bán.
Lớp học trước đây là nơi đón các cháu, gặp gỡ phụ huynh tay bắt mặt mừng giờ trở thành “cứ điểm” tập kết đủ các loại hoa quả, nào mận, nào xoài.
Vắng bóng học sinh, ngôi trường trở thành địa điểm tập kết, phân chia trái cây cho các cô giáo. |
Phân chia đều đặn thành những túi nhỏ, mỗi túi 2kg sẽ được giao cho khách đã đặt qua mạng. |
Đang nhặt từng quả mận để chuẩn bị mang đi giao cho khách, chị Nguyễn Thị Lý 31 tuổi (xã Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội) giáo viên mầm non thấy có người tới hỏi liền mời “Lấy giúp cháu cân mận đi cô, 25.000 đồng 2kg cháu lãi đúng 2.000 đồng”.
Tiếng rao của cô giáo trẻ dần trở nên quen thuộc với người dân khi vực nơi đây. Đến nay, là hơn 1 tháng chị Lý đi bán hoa quả. Chị cho biết, sau khi lấy hoa quả từ trường về, cô thường vừa đăng bán trên Facebook, vừa chở đi quanh xã để rao, có hôm xách ra ngoài chợ.
“Hôm nào bán tốt, cũng kiếm được 50 nghìn đồng mua thức ăn cho gia đình, hôm nào ế coi như bán lấy vốn” chị Lý nói.
Dịch bệnh bùng phát, chồng chị chạy taxi cũng mất việc do công ty phá sản. Cả hai đều thất nghiệp, gánh nặng cơm áo trở thành câu chuyện trăn trở trong mỗi đêm của hai vợ chồng.
Ngồi bên cạnh, chị Lã Thị Tâm (29 tuổi, Xuân Giang, Sóc Sơn), một giáo viên với thâm niên hơn 5 năm cũng đang rao bán hoa quả. Mới đi làm trở lại được hai tháng sau kì nghỉ sinh, chị phải nghỉ tiếp do trường đóng cửa.
Nuôi con nhỏ trong lúc cả gia đình đều thất nghiệp, chị Tâm phải đi chạy vay mượn khắp nơi để có tiền mua sữa cho con.
10h trưa, đặt thùng mận xuống lề đường, chị Lý chọn vị trí đẹp nhất rồi bày mận ra thúng. Vừa rao mời khách, chị vừa quay sang nói với một giáo viên cùng trường: "Hôm nay, mận tươi quá, mong bán hết sớm còn về đi gặt lúa, kiếm thêm ít đồng”.
Đợt này vì quá áp lực, người chị sút hẳn mấy cân, nhìn chị không ai nghĩ là phụ nữ mới sinh.
Cô Lý (áo xanh) và cô Tâm (đội nón) ngồi bán hoa quả tại chợ dân sinh |
Vừa bán xong số mận trong thúng, hai cô giáo vội vàng thắt hàng đi gửi cho khách trên mạng. Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, các cô giáo lẽo đẽo chở nhau đi rao khắp xã, kiếm từng đồng tiền mưu sinh.
Minh Thành
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.65770059150601202-hnis-uum-gnor-gnah-nab-id-peihgn-taht-neiv-oaig/nv.zibefac