Thanh long Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc
Nam Bình
(KTSG Online) – Sau xoài và chuối, Campuchia đang nỗ lực để được cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho trái thanh long vào thị trường Trung Quốc. Mặc dù hiện diện tích trồng thanh long tại Campuchia vẫn còn khá nhỏ so với Việt Nam nhưng đó là dấu hiệu cho thấy thị trường xuất khẩu thanh long sắp có thêm đối thủ.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sau thỏa thuận cho phép xuất khẩu trái xoài sang Trung Quốc có kết quả hồi tháng 5 năm nay, phía Campuchia tiếp tục chú ý đến nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long.
Cụ thể, Chính phủ Campuchia đã có những động thái để được phép xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thanh long vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, thanh long Campuchia có thể sớm được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện Campuchia đã có sự chuẩn bị để cung cấp trái thanh long cho Trung Quốc. Theo đó, trong tháng 5-2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia đã khởi động một dự án trồng thanh long, qua đó dành 1.000 ha đất nông nghiệp để trồng 1 triệu cây thanh long với mục tiêu cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Campuchia còn có kế hoạch thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu xuất khẩu chính là thị trường Trung Quốc và... Việt Nam.
Thanh long Việt Nam chuẩn bị có thêm một "đối thủ" ở thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa: Nam Bình. |
Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thanh long Campuchia sẽ cạnh tranh trực tiếp với thanh long Việt Nam, vốn hiện đang có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng, khi Campuchia được cấp phép xuất khẩu thanh long trực tiếp Trung Quốc sẽ khiến thanh long Việt Nam thêm đối thủ cạnh tranh.
Trong thời gian ngắn hạn trước mắt, trái thanh long Campuchia có thể không phải là “nỗi lo đáng gườm” của thanh long Việt Nam, vì diện tích vùng trồng tại Campuchia chưa nhiều. Hơn nữa, nhu cầu về thanh long tươi của Trung Quốc vẫn đang ngày càng tăng.
Tuy nhiên, về lâu dài, quốc gia này có thể sẽ tăng diện tích, sản lượng để đáp ứng nhu cầu cao từ phía thị trường Trung Quốc. Thanh long cũng không phải là cây trồng lâu năm nên thời gian trồng mới đến thu hoạch chỉ cần 2 - 3 năm là đã có thể cho thu hoạch.
Có thể lấy trái xoài làm ví dụ, hiện nay, phía Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu 500.000 tấn xoài Campuchia mỗi năm. Thế nhưng, Campuchia hiện chỉ mới cung cấp được khoảng 100.000 – 200.000 tấn và họ có kế hoạch tăng diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
“Chỉ trong một thời gian ngắn, Campuchia tăng diện tích xoài lên rất nhiều, cạnh tranh trực tiếp với xoài Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Xoài keo của Campuchia có giá thành rất rẻ, hương vị cũng phù hợp nên được phía Trung Quốc ưa chuộng. Trong khi nhiều loại xoài của Việt Nam hiện nay như xoài cát, xoài Đài Loan cũng ngon nhưng có giá cao hơn, khó cạnh tranh hơn”, ông Nguyên nêu dẫn chứng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, nông dân trồng 3 ha thanh long và là đại lý thu mua, cung cấp thanh long cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc (có địa chỉ tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết, thông tin thanh long Campuchia sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã “rò rỉ” từ cuối năm ngoái đến nay trong giới kinh doanh.
Theo ông Bình, thanh long của Bình Thuận hiện nay phần lớn xuất khẩu tươi sang Trung Quốc. Trong nhiều thời điểm, khi thị trường này giảm nhập, giá thu mua thanh long trong nước bị ảnh hưởng nhiều.
Do đó, nếu có thêm “đối thủ” là thanh long Campuchia chia sẻ thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam sẽ cần phải tính thêm những thị trường tiêu thụ mới để tránh giá giảm, ùn ứ hàng.
Ông Bình cho rằng, việc thanh long Campuchia được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc có thể sẽ diễn ra tương tự các sản phẩm nông nghiệp của nước này trước đó, là chuối và xoài.
Nghĩa là sau khi được cấp phép, Campuchia sẽ nhanh chóng tăng lượng xuất khẩu vào Trung Quốc nhờ đã được chuẩn bị kỹ về sản lượng cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch thực vật.
Ví dụ như sản phẩm chuối, giữa năm 2019, chỉ có năm doanh nghiệp của Campuchia lần đầu tiên được phép xuất khẩu chuối trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, đến đầu năm 2021, Campuchia trở thành quốc gia xếp thứ ba trong danh sách các nước cung cấp chuối cho Trung Quốc, chỉ sau Việt Nam và Philippines. Trong tháng 4-2021, Campuchia chiếm 18% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc.
Mời xem thêm: