Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp song phương đầu tiên vào ngày 16-6 ở Thụy Sĩ - Ảnh: SCMP/TNS
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6. Không ngạc nhiên khi giới quan sát quốc tế đặc biệt quan tâm tới sự kiện này. Quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, đặc biệt từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Thượng đỉnh Biden - Putin liệu có giúp hóa giải phần nào căng thẳng đó?
"Nga sẽ không xin lỗi"
Hôm 7-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước bầu trời mở. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục khó khăn hơn.
Hiệp ước bầu trời mở được ký năm 1992 và có hiệu lực năm 2002 với 34 nước tham gia. Theo hiệp ước, các nước thành viên được phép tổ chức những chuyến bay giám sát trên lãnh thổ của nhau hằng năm.
Hiệp ước được thiết lập trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh để xây dựng lòng tin giữa Nga và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng nay, việc Mỹ và Nga cùng rút khỏi hiệp ước này cho thấy lòng tin giữa hai nước đã sa sút nghiêm trọng.
Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vì chặn các chuyến bay giám sát quanh một số khu vực, gồm Kaliningrad (vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga) và dọc biên giới với Georgia. Tuy nhiên, phía Nga nói việc hạn chế như vậy vẫn được phép trong hiệp ước.
Trên thực tế, Nga vẫn muốn tham gia hiệp ước để duy trì các hoạt động giám sát trên lãnh thổ Ba Lan và Đức - nơi quân đội Mỹ hoạt động. Tuy nhiên, vì chính quyền ông Joe Biden không đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump để quay lại hiệp ước nên Nga buộc phải rút khỏi.
Matxcơva cho rằng quyết định rút khỏi hiệp ước của Mỹ đã "làm lung lay đáng kể cán cân lợi ích" của các nước tham gia. Điện Kremlin cho rằng ngay cả khi đã rút khỏi, Washington vẫn có thể nhận thông tin tình báo do các đồng minh NATO thu thập.
Theo Đài Deutsche Welle (Đức), giờ đây hiệp ước vũ khí còn lại duy nhất giữa Nga và Mỹ là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - vốn nhằm hạn chế số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây với Nga cũng như những đòn trả đũa của Matxcơva càng khiến quan hệ căng thẳng giữa hai bên lâm vào bế tắc.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Nga hôm 7-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cảnh báo lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây nhắm vào Nga sẽ "kéo dài mãi mãi", do đó Matxcơva cần thực tế hơn.
Theo Hãng tin Tass, ông Pankin nhấn mạnh Nga sẽ không yêu cầu bất cứ nước nào dỡ bỏ trừng phạt và cũng sẽ không xin lỗi vì những gì Matxcơva đang làm. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn các biện pháp bổ sung để đối phó trong trường hợp Nga bị áp đặt trừng phạt mới.
"Con dao đang rơi"
Quan hệ Mỹ - Nga xấu đi từ năm 2014 sau vụ trưng cầu ý dân sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, kéo theo lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây khác nhằm vào Matxcơva.
Gần đây, Mỹ trừng phạt Nga vì các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng, vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny..., bất chấp việc Nga đã bác bỏ những cáo buộc đó.
Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - ông Kirill Dmitriev - cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden vào ngày 16-6 ở Geneva (Thụy Sĩ) sẽ là "khoảnh khắc quyết định" để cải thiện quan hệ hai nước.
"Tôi hình dung quan hệ Mỹ - Nga giống như "con dao đang rơi". Chúng ta cần chộp được con dao này vào ngày 16-6, trước khi nó rơi xuống đất" - ông Dmitriev bình luận.
Hôm 7-6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga tới đây là sự kiện "quan trọng". Song ông Sullivan cũng tỏ ra không quá kỳ vọng vào những đột phá của nó khi nói với báo giới: "Nếu các bạn định chờ đợi các thành tựu thật sự đáng kể, có thể các bạn sẽ phải chờ một thời gian dài".
Tuy nhiên, theo ông Charles Kupchan - giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Georgetown và là chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), ông Biden và ông Putin có thể sẽ tìm ra những điểm tương đồng trong một số vấn đề như đại dịch COVID-19, sự bất ổn ở Trung Đông và biến đổi khí hậu.
Nga dọa rút khỏi trạm vũ trụ ISS
Đầu tuần này, giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), ông Dmitry Rogozin, tuyên bố Matxcơva sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2025 nếu lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga "không được dỡ bỏ trong tương lai gần".
Theo ông Rogozin, lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Nga không thể nhập khẩu nhóm vi mạch cần thiết, do đó không thể hoàn tất một số vệ tinh. Vị này cảnh báo hoặc Mỹ và Nga hợp tác với nhau, hoặc Nga sẽ thành lập trạm vũ trụ riêng.
TTO - Ông Yuri Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể diễn ra vào tháng 6-2021 dù hai bên vẫn đang bàn thảo kế hoạch.
Xem thêm: mth.24081157090601202-ar-iol-oc-agn-ym-gnaht-gnac/nv.ertiout