Thêm người được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19, sẽ có vaccine dịch vụ
Minh Duy
(KTSG Online) - Chính phủ thống nhất về việc bổ sung nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, tính toán giá dịch vụ tiêm vaccine tự nguyện cho những người có nhu cầu.
Chính phủ cũng sẽ giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác và tiết kiệm thêm 10% khoản chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch cùng một số nhiệm vụ quan trọng khác.
Liên quan đến vaccine, tỉnh Bắc Giang nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trong đợt dịch này cho biết đã tiêm hết số lượng vaccine được cấp và cần thêm 200.000 liều.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế. Ảnh: TTYT quận 4 |
Thêm chi phí cho chiến lược vaccine, thêm nhóm ưu tiên vaccine
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, chính phủ thống nhất nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 như chế độ, phụ cấp, hỗ trợ tiền ăn, ở cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19, tiêm vaccine...
Trong đó, với việc bổ sung các nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế rà soát, quyết định bổ sung theo quy định của Nghị quyết số 21/NQ-CP của chính phủ về mua và sử dụng loại vaccine này.
Giá dịch vụ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tự nguyện cho những người có nhu cầu cũng sẽ thực hiện theo quy định tại nghị định trên và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của chính phủ về tiêm chủng.
Những người phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại cơ sở cách ly y tế tập trung, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tại nơi lưu trú sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung thì phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, có 11 nhóm ưu tiên sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước, gồm nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi.
Thêm vào đó là những người thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; những người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nên cho lực lượng công nhân, tiểu thương... được tiêm vaccine để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, chính phủ cũng thống nhất kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine, góp phần sớm chiến thắng đại dịch.
Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp để có thêm kinh phí phòng chống dịch và thực hiện chiến lược vaccine.
Trong đó, chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% khoản chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng đầu tư phát triển cùng nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết
Các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các bộ gồm quốc phòng, công an, y tế và kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao không thuộc khoản cắt giảm trên. Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6 tới.
Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nhưng đến ngày 30-6-2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện cùng các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine.
Bắc Giang đã lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm, tiêm hết vaccine
Sáng nay (9-6), Bộ Y tế công bố thêm 41 ca mắc Covid-19 trong nước. Trong đó, có 24 ca ở Bắc Giang và 17 ca ở Bắc Ninh, đều là các ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tại Bắc Giang, nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trong đợt dịch lần thứ tư này tuy vẫn có các ca nhiễm mới nhưng số lượng đang giảm dần.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, lực lượng chức năng tiếp tục tập trung lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 công nhân, người dân trong các khu vực bị phong toả, sinh sống, tạm trú, cư trú trên địa bàn được lấy mẫu là thôn Núi Hiểu, khu cách ly tập trung và một số địa bàn khu phong tỏa, điểm nóng huyện Việt Yên.
Cho đến tối qua, toàn tỉnh đã lấy 995.022 mẫu xét nghiệm. Hầu hết trong số đã có kết quả. Về việc đưa toàn công nhân và người dân tại thôn Núi Hiểu, huyện Việt Yên sang các khu cách ly tập trung khác sẽ xong trước ngày mai (10-6) để phun khử khuẩn làm sạch toàn bộ ổ dịch và lên kế hoạch sắp xếp đưa công nhân, người dân trở lại sinh sống.
UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện, thành phố, Ban Quản lý Khu công nghiệp xây dựng kế hoạch kiểm soát, tấn công đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn trong 14 ngày, tạo tiền đề để trở về trạng thái bình thường mới.
Liên quan đến tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19, UBND tỉnh cho biết, từ ngày 29-5 đến tối qua, Bắc Giang đã tiêm được hơn hơn 176.425 liều vaccine, gồm 139.774 liều cho công nhân và 36.651 cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch 36.651. Địa phương đã cơ bản tiêm hết số vaccine được cấp.
Tuy nhiên, do lượng vaccine được phân bổ đợt này mới đáp ứng được 50% nhu cầu tiêm phòng của công nhân trong tỉnh nên UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế sớm cấp bổ sung 200.000 liều vaccine để có thể tiếp tục tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân. Vài ngày trước, Bắc Giang chỉ đề nghị bổ sung 150.000 liều.
Mời đọc thêm:
Nga xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam
Xem xét rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh đã tiêm vaccine Covid-19
Bắc Giang phê bình các huyện chống dịch chưa nghiêm
Việt Nam phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Vero Cell của Trung Quốc