Sau tuần đầu tiên TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đã khá yên tâm vì giá mặt hàng trứng gà, vịt trên thị trường đã tương đối hạ nhiệt so với tuần trước, sức mua có phần chững lại.
Áp lực chi phí tăng - sức mua giảm
Trước đó, do tâm lý lo ngại dịch bệnh lẫn thực hiện giãn cách xã hội đã xảy ra hiện tượng tiêu thụ thực phẩm tươi sống, trong đó có trứng gia cầm tăng đột biến. Tại các chợ lẻ và chợ tự phát của TP HCM, giá trứng gà, trứng vịt vọt tăng thêm 10.000 đồng/vỉ 10 trứng. "Ngay lập tức, các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường mặt hàng này đã phối hợp với hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm bổ sung nguồn hàng trên quầy kệ lẫn trong kho tại các điểm bán và bán với giá không đổi. Cụ thể, trứng gà đến tay người tiêu dùng khoảng 26.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 31.000 đồng/vỉ 10 trứng, đồng thời tích cực truyền thông cho người tiêu dùng biết, nhờ vậy mà giá trứng tại các chợ đã nhanh chóng hạ nhiệt" - ông Thiện cho hay.
Khách hàng mua sắm nhu yếu phẩm tại Co.opXtra Vạn Hạnh, quận 10, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Theo các DN sản xuất - kinh doanh trứng gia cầm, trong đợt giãn cách xã hội của TP lần này, sức tiêu thụ mặt hàng trứng tăng không đáng kể, 2 ngày đầu tuần này có phần giảm nhẹ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20%-30%, chi phí gián tiếp cũng nhích lên khiến DN đang lỗ nhẹ đối với mặt hàng trứng vịt. "Tuy vậy, các DN bình ổn thị trường vẫn thống nhất là chấp nhận không có lãi để giữ ổn định giá. Khó khăn hiện tại chính là lúc để chúng tôi khẳng định vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ TP đã giao" - tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan, cũng cho hay giá đầu vào đang có khuynh hướng tăng ở tất cả khâu do tác động của dịch Covid-19. Chưa kể, một số nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài đang khan hiếm nhưng đầu ra của hầu hết sản phẩm đều không thể tăng được. Điểm thuận lợi duy nhất là giá heo hơi đang trên đà giảm nên ngay lập tức, Vissan khuyến mãi, giảm giá một số mặt hàng thịt heo tươi sống trong danh mục hàng bình ổn thị trường, áp dụng đến ngày 16-6 để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và kích thích sức mua. "Chợ ế, siêu thị vắng, người dân chỉ tập trung mua sắm trong 1-2 ngày đầu giãn cách xã hội, sau đó giảm hẳn. Dù vậy, DN vẫn tiếp tục sản xuất, lưu kho số lượng lớn theo kế hoạch TP giao để bảo đảm luôn có đủ hàng cho mọi tình huống thị trường" - ông An chia sẻ.
Trong lĩnh vực phân phối, các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, Satra, Vinmart… cũng tích cực đàm phán với nhà cung cấp kéo giãn tiến độ điều chỉnh tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, bảo đảm cung cấp đều đặn hàng hóa với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu vài tháng. Các hệ thống siêu thị còn đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tập trung vào nhóm hàng nông sản, trái cây vốn đang rộ mùa, sản lượng dư thừa do không xuất khẩu được vì dịch Covid-19; đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp, đối tác luân phiên giảm giá, khuyến mãi, hạn chế tối đa việc giá hàng hóa bị đẩy lên cao và tăng cường công tác bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết hệ thống này đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành thật tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Các phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết… đều đã được tính toán, triển khai nhịp nhàng.
Xoay xở khâu giao nhận
Theo các DN bình ổn thị trường TP, trong giai đoạn này, việc giữ cho hàng hóa lưu thông xuyên suốt là quan trọng nhất. Tại TP HCM, thời gian đầu áp dụng giãn cách xã hội, các DN gặp một số khó khăn liên quan đến công tác vận chuyển hàng hóa do phải thực hiện việc xác minh lộ trình, kiểm tra, khai báo y tế... Tuy nhiên, với sự vào cuộc nhanh chóng của các sở, ngành và quận, huyện, khó khăn đã sớm được xử lý. "Đơn cử, Sở Công Thương TP đã kịp thời kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP tạo điều kiện cho xe tải chở hàng của các DN bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm được chạy 24/24 giờ thay vì chỉ chạy trong giờ cao điểm như trước đây. Nhờ vậy, hàng hóa thiết yếu được vận chuyển kịp thời về các kho tập trung, các điểm bán" - tổng giám đốc một DN sản xuất thực phẩm nhìn nhận.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa về các tỉnh đang có một số vướng mắc, nguy cơ gây đứt gãy nguồn cung. Lãnh đạo Vissan dẫn chứng cách đây vài ngày, xe giao hàng của Vissan về Bạc Liêu đã phải quay đầu trở về TP HCM dù có đủ giấy tờ cần thiết và thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Công ty CP Bách Hóa Xanh cũng phản ánh việc vận chuyển hàng hóa cho 85 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Long An gặp vướng do các trạm kiểm soát của tỉnh này đòi hỏi tài xế từ TP HCM phải chích xong vắc-xin phòng Covid-19 mới được qua trạm. Sau khi DN kiến nghị, tỉnh này nới lỏng điều kiện, cho phép xe ra vào địa bàn nhưng DN phải cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu rủi ro có ca dương tính.
Đã được thử thách qua nhiều biến động thị trường
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, nhìn nhận trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các DN trong chương trình bình ổn thị trường TP đã hết sức nỗ lực, chủ động vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa đầy đủ, dồi dào với giá cả ổn định.
Trải qua gần 20 năm, các DN nằm trong chương trình bình ổn thị trường của TP đã được thử thách, đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm xử lý biến động thị trường qua các đợt tăng giá đột biến các mặt hàng gạo, đường, trứng gia cầm, thịt heo... "Các DN đã chủ động ký hợp đồng và thực hiện dự trữ nguyên liệu nên hoàn toàn có thể duy trì hoạt động sản xuất, giữ ổn định giá cả hàng hóa trong thời điểm hiện nay và các tháng tới" - ông Phương khẳng định.
Xem thêm: mth.424225190601202-hcid-iad-gnort-meid-ihg-no-hnib-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln