UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Lực lượng y tế đang lấy mẫu xét nghiệm tại một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: MINH TÂM
Tại bản chỉ thị đặc biệt lưu ý đến phòng dịch và duy trì sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Theo đó, UBND TP giao Ban quản lý các KCX-KCN, khu công nghệ cao yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, nhằm sớm phát hiện nguyên nhân các ca bệnh, ổ dịch nếu có.
Cùng với đó, các DN phải phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập phương án ứng phó phòng chống dịch tại KCN, KCX để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế phòng chống dịch.
Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các ban quản lý chọn một số DN có đủ điều kiện để bố trí công nhân ăn, ở lại và làm việc ngay tại nhà máy, xí nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch được tốt, vừa duy trì sản xuất bình thường nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
UBND TP giao Sở TT&TT chủ trì giới thiệu, cung cấp các giải pháp hỗ trợ các DN chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh như ứng dụng văn phòng điện tử, thanh toán trực tuyến, chữ ký điện tử, họp từ xa… Cùng với đó, triển khai ứng dụng bản đồ số thông tin về tình hình dịch COVID-19 để hỗ trợ người dân và chính quyền xác định vị trí các khu cách ly, phong tỏa.
Chỉ thị của UBND TP cũng yêu cầu các sở, ngành và TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Trong đó, đáng chú ý là Sở KH&ĐT đẩy mạnh hoạt động tổ công tác đầu tư và tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP.HCM. Triển khai gói hỗ trợ DN lần thứ hai và các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình hiện nay.
Cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để DN đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Sở Tài chính được giao tăng cường quản lý việc chi ngân sách, thực hiện tốt việc tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán. Cùng đó là tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn của DN nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện.
1.075 tỉ đồng là số tiền mà Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, giảm thu nhập hoặc không có thu nhập đang làm việc tại các DN; những người không có ký kết hợp đồng lao động như người bán vé số, bán hàng rong, giáo viên các nhóm trẻ… bị ảnh hưởng do TP thực hiện giãn cách xã hội. |
Lên phương án điều trị 5.000 ca nhiễm COVID-19
Cùng với việc giữ an toàn trong sản xuất, chỉ thị của UBND TP.HCM cũng yêu cầu các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là an toàn trong khu cách ly.
UBND TP giao Sở Y tế, đơn vị chủ trì chống dịch cần chú ý đến quản lý cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly và chuẩn bị phương án thêm cơ sở cách ly tập trung trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đối với vấn đề quản lý khu cách ly tập trung, làm sao không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly đã được lãnh đạo TP và trung ương chỉ đạo quyết liệt.
Trước đó, khi đi kiểm tra khu cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Ông đề nghị mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa hai người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên tới bốn người/phòng.
Ông Bình cũng yêu cầu quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly theo nguyên tắc: Người cách ly người, phòng cách ly phòng, cách ly giữa các tòa nhà. Trong khu cách ly phải có nội quy, quy chế, kỷ luật và cần thiết thì xử phạt hành chính nếu người trong khu cách ly vi phạm.
Tại bản chỉ thị trên, UBND TP giao Sở Y tế xây dựng phương án thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân phù hợp trong từng khu vực, từng địa bàn dân cư, trong từng thời điểm. Huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày.
Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 ca bệnh COVID-19.
Nếu dịch lan từ khu công nghiệp, TP sẽ khó khăn Trong những ngày qua, trước khi có chỉ thị chính thức trên, lãnh đạo TP đã có các cuộc làm việc tại các KCN, KCX, khu công nghệ cao và đưa ra hàng loạt yêu cầu như các cơ sở sản xuất phải thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm, kiên quyết dừng hoạt động đối với những nơi không đáp ứng điều kiện phòng dịch. Ngày 7-6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chỉ đạo các DN phải bổ sung phương án kế hoạch sản xuất an toàn trong tình hình dịch có nhiều diễn biến mới, phức tạp vì môi trường sản xuất tập trung là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh. “Đây là mối lo mà nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu thì khu vực này sẽ làm TP khó khăn” - ông Nên nói. Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thì yêu cầu phải có phương án vừa cách ly vừa sản xuất an toàn trong tình huống có ca lây nhiễm ở những khu vực này. Ông đặc biệt lưu ý các DN lớn cần điều chỉnh giờ làm việc, bố trí giờ ăn hợp lý để tránh tập trung đông người. “Các đơn vị liên quan cần nắm và cung cấp thông tin đầy đủ về danh sách công nhân với địa chỉ, số điện thoại để phục vụ công tác phòng dịch” - ông Phong nói. |