Số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD trong tháng 5 vừa qua chỉ tăng trưởng 27,9%, thấp hơn mức tăng 32% của tháng 4 cũng như dự báo của giới chuyên gia.
Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tại tỉnh Giang Tô cho biết, công nhân đã phải tăng ca sản xuất để đáp ứng đơn hàng tăng đột biến từ Mỹ và châu Âu sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên chi phí vận chuyển một container hàng 40 feet bằng đường biển từ Á sang Âu có thời điểm đã tăng vọt trên 10.000 USD, một con số kỷ lục. Mức giá này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu với bài toán lợi nhuận.
"Đơn hàng tăng khoảng 20%, nhưng giờ giá vận tải tăng quá cao. Chưa kể, số lượng tàu hàng sẵn sàng cũng rất giới hạn gây khó cho xuất khẩu", ông Sun Yuebin, chủ doanh nghiệp dệt may Jiangsu Mingyuan, chia sẻ.
Một phụ nữ làm việc trong xưởng may của một doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
"Chúng tôi đã thảo luận với khách hàng về mức chi phí vận chuyển hiện nay để xem xét tăng giá trên mỗi hợp đồng, nhưng rất khó. Chúng tôi đã buộc phải tạm dừng nhận đơn hàng mới từ tháng 5", ông Yang Wei, Giám đốc doanh nghiệp rèm Zhejiang Jinchan, cho hay.
Hiện chỉ số theo dõi giá vận chuyển hàng hóa bằng container của Trung Quốc đã tăng 126% kể từ năm 2020.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang chịu thêm nhiều áp lực từ đồng Nhân dân tệ đạt đỉnh 3 năm và "bão giá" nguyên liệu đầu vào tăng cao kỷ lục. Hệ quả là trong tháng 5, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 12 năm.
"Việc dịch COVID-19 được kiểm soát nhanh chóng từ năm 2020 đã khiến các đơn hàng toàn cầu liên tục đổ về Trung Quốc. Đó là lý do vì sao nước này phải bằng mọi giá hút tất cả các nguyên liệu đầu vào. Về ngắn hạn khi cung cầu lệch pha khiến giá hàng hóa tăng nhanh bất thường", ông Gao Shanwen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Essence Securitie, nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu chỉ số giá sản xuất PPI giữ ở mức cao trong một thời gian dài tại công xưởng sản xuất của thế giới này có thể khiến giá cả hàng hóa xuất khẩu liên tục tăng, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu và gây ra các vấn đề kinh tế nếu các công ty quy mô vừa không chịu được chi phí cao hơn.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đang phải có những động thái can thiệp mạnh tay nhằm kiềm chế giá nguyên liệu đầu vào cũng như giảm áp lực tăng của đồng Nhân dân tệ, qua đó hạn chế thấp nhất tác động xấu tới xuất khẩu trong ngắn hạn.
VTV.vn - Khi chi phí đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang phải tìm cách xoay sở hoặc phải tăng giá thành sản phẩm hoặc phải chịu lỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!