Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 4.247,44 điểm, lập đỉnh lịch sử trong phiên thứ hai liên tiếp. Trước đó vào ngày 10/6, S&P 500 đã phá kỷ lục của phiên 7/5 sau hơn một tháng đi ngang trong biên độ hẹp.
Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 14.069,42 điểm, các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft và Netflix đều đi lên. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích 13 điểm lên 34.479,6 điểm.
Tính chung cả tuần vừa qua, S&P 500 có thêm 0,4%, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq tỏ ra vượt trội với mức tăng 1,9%, đánh dấu chuỗi 4 tuần đi lên liên tục. Ngược lại, Dow Jones giảm 0,8%.
Thị trường chứng khoán ngày 11/6 tiếp nối đà tăng của phiên trước đó khi nhà đầu tư phớt lờ số liệu lạm phát cao nhất 13 năm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cao hơn dự báo của các chuyên gia.
CNBC dẫn lời ông Craig Johnson, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler nhận xét: "Tuy số liệu CPI tháng 5 cao hơn ước tính nhưng thị trường không quá ngạc nhiên và coi lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời. Thị trường trái phiếu Kho bạc dường như cũng đồng ý với nhận định rằng lạm phát chỉ diễn ra trong ngắn hạn".
Diễn biến của thị trường trái phiếu đã phần nào tạo hiệu ứng tích cực để thị trường cổ phiếu đi lên. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1,43%, đánh dấu mức thấp nhất ba tháng gần đây. Lợi suất thấp đồng nghĩa với việc thị trường đang dự báo lạm phát trong tương lai sẽ không cao.
Trong năm nay, đã có lúc loại lợi suất này vọt lên mức 1,77%.
Các doanh nghiệp công nghệ thường gặp khó khăn lớn trong môi trường lãi suất cao do vay nợ lớn và kỳ vọng vào dòng tiền tương lai nhiều. Từ đầu năm đến nay, khi lợi suất nhìn chung đi lên, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng chậm nhất trong nhóm các chỉ số chứng khoán lớn.
Xem thêm: mth.98601307021601202-iom-cul-yk-o-auc-gnod-peit-neil-naut-ab-gnat-ym-naohk-gnuhc/nv.zibmanteiv