vĐồng tin tức tài chính 365

Khối ngoại đổi “khẩu vị” sang UpCom?

2021-06-13 13:53

Khối ngoại đổi “khẩu vị” sang UpCom?

Triêu Dương

(KTSG) - Trong khi sàn HOSE vẫn bị bán ròng không thương tiếc với giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi phiên gần đây, thì sàn UpCom lại bất ngờ đón nhận dòng vốn mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Vì sao lại như vậy?

Cổ phiếu HPG đã tăng khá mạnh suốt thời gian qua.

Đổi khẩu vị

Gần 31.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ, là giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tính từ đầu năm cho đến phiên đầu tuần này (7-6-2021). Con số này cũng gấp gần 1,7 lần giá trị bán ròng trong năm 2020 của nhóm này, giai đoạn mà TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19.

Nếu tính riêng từ đầu tháng 5, khối ngoại đã bán ròng gần 16.687 tỉ đồng, chiếm 54% tổng giá trị bán ròng trong hơn năm tháng đầu năm, cho thấy động lực bán của nhóm này đang ngày càng gia tăng bất chấp diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam trong thời gian qua và nền kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định và phục hồi khả quan.

Đáng lưu ý là hoạt động bán ròng tập trung trên sàn HOSE, với tổng giá trị 16.770 tỉ đồng tính riêng từ đầu tháng 5 đến ngày 7-6, còn nếu tính từ đầu năm thì lên đến hơn 30.800 tỉ đồng, trong đó nếu loại trừ giá trị mua ròng đột biến 2.160 tỉ đồng phiên ngày 9-4 tại mã VHM thì con số bán ròng còn cao hơn nhiều.

Lượng bán ròng chủ yếu diễn ra ở các mã vốn hóa lớn thuộc VN30, trong đó có những cổ phiếu đã tăng khá mạnh suốt thời gian qua như HPG của tập đoàn Hòa Phát, CTG của VietinBank và các cổ phiếu ngân hàng khác, VNM của Vinamilk, VIC của tập đoàn Vingroup,...

Trong khi trên sàn HOSE và HNX khối ngoài bán ròng thì sàn UpCom bất ngờ được khối ngoại mua ròng hơn 166 tỉ đồng tính từ đầu năm, trong đó tính riêng từ đầu tháng 5 là hơn 263 tỉ đồng.

Trong năm 2020, sàn UpCom bị bán ròng hơn 830 tỉ đồng, do đó động thái đảo chiều mua ròng trở lại trên sàn này là diễn biến đáng chú ý.

Trong khi trên sàn HNX khối ngoại cũng bán ròng nhưng không đáng kể, chỉ với hơn 200 tỉ đồng, thì sàn UpCom bất ngờ được mua ròng hơn 166 tỉ đồng tính từ đầu năm, trong đó tính riêng từ đầu tháng 5 là hơn 263 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2020, sàn UpCom vẫn bị bán ròng hơn 830 tỉ đồng, do đó động thái đảo chiều mua ròng trở lại trên sàn này là diễn biến đáng chú ý.

Việc “đổi khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài khá tương đồng với chiến thuật của nhà đầu tư nội, khi dòng tiền trong nước đã có dấu hiệu chuyển bớt sang sàn UpCom trong suốt thời gian qua, thể hiện qua thanh khoản tăng vọt lên hơn gấp đôi từ đầu năm đến nay, cho thấy sàn này ngày càng có sức nóng, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Không thiếu game cho nhà đầu tư

Có lẽ việc sàn HOSE liên tục bị lỗi làm tăng rủi ro khi giao dịch cũng đã góp phần thúc đẩy nhà đầu tư ngoại chuyển sang giao dịch trên sàn HNX và UpCom như các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nếu như chỉ số HNX- Index đã tăng rất mạnh gần 260% trong hơn một năm qua và tăng gần 70% tính từ đầu năm, thì chỉ số UpCom - Index chỉ mới tăng 90% tính từ đầu tháng 4 năm ngoái và tăng hơn 20% nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay. Điều này cho thấy định giá trên sàn này vẫn chưa bị đẩy lên quá cao như sàn HOSE hay HNX.

Các cổ phiếu trên sàn UpCom cũng không thiếu “game” cho các nhà đầu tư, từ game thâu tóm và sáp nhập, tái cấu trúc đến tăng vốn hay thoái vốn,...Trong bảng danh sách kế hoạch thoái vốn ngay trong năm 2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong số 32 doanh nghiệp trên sàn thì riêng sàn UpCom đã có đến 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng gần 66%.

Và thực tế là không ít cổ phiếu trong số này đã tăng mạnh thời gian qua. Đối với game chuyển sàn, các mã cổ phiếu trên sàn UpCom cũng mang lại nhiều cơ hội hơn so với sàn HNX, trong khi sàn HOSE rõ ràng không có game này.

Thống kê cũng cho thấy số lượng cổ phiếu tăng mạnh tính bằng lần ở sàn UpCom cũng lớn hơn nhiều so với sàn HNX và HOSE trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, số lượng mã cổ phiếu tăng từ 100% trở lên trên sàn UpCom là gần 100 cổ phiếu, trong khi sàn HNX là 42 cổ phiếu và sàn HOSE là 40 cổ phiếu.

Việc biên độ dao động trong ngày lên đến 15%, cao gấp đôi so với sàn HOSE (7%) và gấp rưỡi so với sàn HNX (10%) cũng góp phần quan trọng đẩy giá cổ phiếu của sàn này tăng nhanh hơn và mạnh hơn. Dù rủi ro của sàn UpCom không nhỏ nhưng lợi nhuận đi kèm cũng đầy hấp dẫn, nên đã kích thích lòng tham của những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài.

Với những nhà đầu tư nước ngoài ưa thích các cổ phiếu có thanh khoản cao và vốn hóa lớn, sàn UpCom cũng có không ít doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước với quy mô khủng đáp ứng được tiêu chí này và kinh doanh vẫn có lãi. Có thể kể đến như Tổng công ty cổ phần (CTCP) Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (VGI), CTCP Masan High-Tech Materials (MSR), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng CTCP Phát điện 3 (PGV), Tổng CTCP Dầu Việt Nam (OIL), Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (VTP),...

Tuy nhiên, cuộc chơi trên sàn UpCom không phải dành cho số đông, mà đòi hỏi nhà đầu tư phải có những kinh nghiệm và kiến thức nhất định, khi các điều kiện niêm yết, quy định công bố thông tin trên sàn UpCom khá thoải mái và đơn giản hơn nhiều, doanh nghiệp cũng không phải tuân thủ những tiêu chí khắt khe như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ, tỷ suất sinh lời,... Chính vì vậy, sàn UpCom trở thành chốn nương thân của khá nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được sự minh bạch thông tin cũng như hiệu quả kinh doanh, và do đó rủi ro là rất cao nếu như chọn nhầm cổ phiếu.

Dù số lượng doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn UpCom lớn hơn rất nhiều so với sàn HOSE và HNX, nhưng để chọn ra những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, tiềm năng tăng giá từ các chất xúc tác đã nói đến ở trên không phải dễ, đòi hỏi nhà đầu tư phải chịu khó tìm hiểu và lọc cổ phiếu đáp ứng tiêu chí để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Chính vì vậy mà dòng tiền trên sàn UpCom chủ yếu chỉ tập trung ở một số cổ phiếu nhất định.

Ngoài ra, vì những đặc điểm nói trên, sàn UpCom cũng tập trung phần lớn doanh nghiệp kinh doanh thiếu hiệu quả và lỗ trong nhiều năm, đưa đến rủi ro bị hủy niêm yết thường trực. Cụ thể dù mức tăng trưởng thời gian qua của chỉ số UpCom-Index thấp hơn VN-Index và HNX-Index, nhưng do số lượng doanh nghiệp lỗ cũng nhiều, nên tính chung hệ số P/E (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của UpCom-Index hiện tại là hơn 17,8 lần, cao hơn mức 16,6 lần của HNX-Index và 17,4 lần của VN-Index.

Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2020, trong khi P/E của VN-Index và HNX-Index đã tăng tương ứng 9,4% và 25%, thì P/E của UpCom-Index lại giảm hơn 6%. Do đó, việc nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dần chú ý đến sàn UpCom như bước đi trước đó của nhà đầu tư trong nước có lẽ là điều dễ hiểu và có thể chỉ mới là giai đoạn bắt đầu.

Xem thêm: lmth.mocpu-gnas-iv-uahk-iod-iaogn-iohk/761713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khối ngoại đổi “khẩu vị” sang UpCom?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools