Sáng ngày 11/6 tại huyện Ngọc Hồi, UBND huyện Ngọc Hồi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum tổ chức buổi làm việc cùng các đơn vị liên quan họp bàn phương án triển khai dự án: Trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén,... của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở báo cáo rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất tại khu vực dự kiến triển khai dự án, UBND huyện Ngọc Hồi, Ban quản lý Khu kinh tế đã thống nhất phương án triển khai và giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan tập trung cao độ, quyết tâm đạt được mục tiêu dự án để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trước mắt, giao cho các đơn vị liên quan tập trung rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng và quản lý đất tại khu vực dự án như: Thống kê chi tiết đất Lâm trường đang quản lý, đã bàn giao cho địa phương quản lý; đất theo quy hoạch 3 loại rừng; đất đã cấp GCN QSDĐ; đất trống; đánh giá thu nhập của các hộ dân có đất....
Cũng tại cuộc họp, huyện Ngọc Hồi, Ban Quản lý Khu kinh tế thống nhất thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư và Tổ công tác cho dự án này, thành viên Tổ được lựa chọn từ các đơn vị liên quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục đầu tư cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sớm triển khai dự án.
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 7/6, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức mong muốn tỉnh Kon Tum tạo điều kiện để Tập đoàn triển khai 3 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư từ 7.000-8.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tại huyện Kon Plông, triển khai dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (giống mô hình Học viện bóng đá mà Tập đoàn HAGL đã có tại tỉnh Gia Lai) và bất động sản với tổng diện tích 80ha. Tại huyện Ngọc Hồi, triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000ha và dự án nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện).
Bầu Đức cho biết, với kinh nghiệm đã triển khai các dự án tương tự và quá trình đi khảo sát tại thực địa, tiềm năng để tỉnh Kon Tum phát triển việc trồng rừng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, lợi thế về vị trí xây dựng nhà máy điện sinh khối để giải quyết việc làm cho người dân tại nhà máy, khai thác hiệu quả cây gỗ do chính người dân trồng, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu với rừng trồng 18.000ha tại tỉnh Attapư (Lào) và thu hút khách du lịch, tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL cam kết sẽ hỗ trợ đền bù cho người dân có diện tích đất trong vùng dự án trồng rừng và triển khai xây dựng, đưa 3 dự án đi vào hoạt động trong thời gian 5 năm.
Đến ngày 10/6, Bầu Đức đã trực tiếp đi khảo sát dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị