Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau suy thoái với tốc độ nhanh nhất trong 80 năm qua.
"Không thắt lưng buộc bụng trong một thế giới hậu COVID-19" là điều mà các nhà lãnh đạo thế giới G7 ủng hộ tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Anh. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tiếp tục các kế hoạch chi tiêu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, nên tránh lặp lại những sai lầm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
"Chúng ta cần phải đảm bảo nền kinh tế có cơ hội phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và chúng ta cần lạc quan về điều này. Điều quan trọng là không được lặp lại những sai lầm của cuộc đại khủng hoảng năm 2008, khi sự phục hồi không đồng đều đối với tất cả các thành phần xã hội " - Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
(Ảnh minh họa: KT)
Tiếp tục thực các chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến thời điểm thích hợp cũng là biện pháp chính phủ Hàn Quốc đưa ra để đảm bảo kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Theo các quan chức Hàn Quốc, thị trường tài chính có thể sẽ biến động mạnh hơn khi lạm phát tăng trở lại và điều này buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải rút lại các biện pháp kích thích tài chính áp dụng thời đại dịch. Tuy nhiên thời điểm bình thường hóa chính sách tiền tệ của Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tình hình dịch COVID-19 và rủi ro mất cân bằng tài chính.
Chính phủ Malaysia cũng tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động bởi đại dịch, gói mới nhất là PEMERKASA Plus trị giá 97 triệu USD. Trong khi đó, Jordan khởi động một chương trình thúc đẩy du lịch trong nước với tổng trị giá 9 triệu USD nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đóng góp 13% GDP cả nước.
Với cuộc sống của người dân nhiều quốc gia đang dần trở lại bình thường, bức tranh kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, phục hồi suy thoái với tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm qua. Tuy nhiên điểm sáng sẽ chủ yếu tập trung vào các quốc gia phát triển, trong khi các nền kinh tế đang phát triển bị tụt lại phía sau, khiến phân chia giàu và nghèo ngày càng sâu sắc hơn.
Ayhan Kose - Giám đốc nhóm dự báo của Ngân hàng thế giới nhận định: "Đây giống như câu chuyện tăng trưởng kinh tế thế giới với hai tốc độ. Sẽ là thời điểm tốt nhất đối với các nền kinh tế phát triển và có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển".
Chia sẻ vaccine, xóa nợ hoặc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển là một trong những biện pháp cấp bách hiện nay để đảm bảo sự tăng trưởng đồng đều. Nếu không đại dịch Covid-19 sẽ đảo ngược thành quả giảm nghèo, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh kinh tế ở các quốc gia nghèo hơn và các thách thức lâu dài khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!