Công ty cổ phần (CTCP) Hưng Thịnh Incons (MCK: HTN) được biết đến là một trong năm công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh do ông Nguyễn Đình Trung (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Tiền thân của Hưng Thịnh Incons là CTCP Thiết kế - Xây dựng Hưng Thịnh được thành lập năm 2007.
Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Hưng Thịnh Incons cho thấy, doanh thu đạt 4.552 tỷ đồng (tăng 24% so với 2019), với mức lợi nhuận sau thuế 357 tỷ đồng (tăng 91% so với năm 2019).
Giải trình về mức doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2020, đại diện công ty cho biết do Công ty con - CTCP Cơ khí Bình Triệu đã hoàn thành và bàn giao một phần dự án Chung cư cao tầng nên ghi nhận doanh thu như trên.
Tuy doanh thu và lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền thuần trong năm ghi nhận âm 185 tỷ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hưng Thịnh Incons vẫn âm tới 457 tỷ đồng (trong khi đó năm 2019 là 228 tỷ đồng).
Để có vốn đầu tư thi công các dự án, Hưng Thịnh Incons tăng vay nợ ngân hàng. Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả của Hưng Thịnh Incons ở mức 4.527 tỷ đồng, chiếm gần 82% tổng nguồn vốn và gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong cơ cấu nợ phải trả, chủ yếu là các khoản tiền phải trả cho các công ty xây dựng và khoản vay tài chính ngắn hạn. Trong đó, khoản phải trả cho các công ty xây dựng là 1.070 tỷ đồng và vay ngắn hạn 1.063 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản này lên đến 2.133 tỷ đồng, chiếm đến 47% tổng cộng số nợ.
Hưng Thịnh Incons vay 1.633 tỷ đồng từ các ngân hàng. Cụ thể, BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn là chủ nợ lớn nhất của Hưng Thịnh Incons với tổng nợ gần 450 tỷ; MB - chi nhánh Sài Gòn 206 tỷ; TPBank - chi nhánh Nguyễn Oanh 342 tỷ; MSB - chinh nhánh TP.HCM 108 tỷ; Agribank - chi nhánh Sài Gòn 94 tỷ; Vietcombank - chi nhánh Tân Định 49,5 tỷ; VPBank - chi nhánh Bến Thành 33,5 tỷ.
Các khoản vay của công ty được đảm bảo bằng quyền thu hồi nợ phát sinh từ các hợp đồng thi công xây dựng công trình và có lãi suất từ 7-9,3%/năm.
Ba tháng đầu năm 2021, Công ty tiếp tục tăng vay nợ tài chính ngắn hạn thêm 400 tỷ đồng. Trong đó, 300 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu (gồm 224 tỷ trái phiếu phát hành cho CTCP Chứng khoán Rồng Việt và 76 tỷ trái phiếu phát hành cho các tổ chức và cá nhân khác) và 100 tỷ đồng vay từ các ngân hàng (trong quý I/2021, TPBank là ngân hàng Hưng Thịnh Incons vay nhiều nhất lên tới gần 60 tỷ đồng).
Về khoản phát hành trái phiếu 300 tỷ, Công ty sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động. Khoản vay trái phiếu này được đảm bảo bằng 49,5 triệu cổ phần CTCP Hưng Thịnh Land thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh.
Tại báo cáo tài chính quý I, doanh thu Hưng Thịnh Incons tăng lên 1.160 tỷ đồng, tăng gần 10% so với hồi đầu năm. Ngược lại, lợi nhuận gộp giảm mạnh chỉ còn 103 tỷ, biên cũng giảm từ mức 22,1% (quý I/2020) xuống mức 8,9%.
Trong quý này, giá vốn tăng 28% ghi nhận 1.056 tỷ đồng, chủ yếu giá vốn hoạt động xây dựng chiếm 1.055 tỷ đồng. Giá vốn tăng trong bối cảnh giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt giá thép tăng phi mã trong quý I/2021.
Khấu trừ chi phí, lãi trước thuế HTN giảm 58% xuống mức 48 tỷ đồng, lãi sau thuế cũng giảm từ mức 94 tỷ xuống còn 38 tỷ đồng.
Theo Công ty, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do trong kỳ ghi nhận phần lớn doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động thi công xây dựng, trong khi đó chỉ ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản công ty con Bình Triệu với tỷ lệ thấp không như kỳ trước.
Tính đến ngày 8/3/2021, Hưng Thịnh Corp đang là cổ đông lớn nhất của Hưng Thịnh Incons, sở hữu 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Hưng Thịnh Land đang nắm giữ 24%. Ngoài ra, 16,8% vốn của Hưng Thịnh Incons được nắm giữ với ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT CTCP Hưng Thịnh Incons.