Những cô gái kenshi trẻ đẹp - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Khoác bộ giáp nặng hơn 5kg, chưa kể mặt nạ sắt đội đầu cũng nặng 1kg, các kiều nữ dũng mãnh như kiếm sĩ trong phim võ đạo samurai.
Kiếm đạo cần sự kiên nhẫn để học từng bước đi, cách cầm kiếm, bỏ cố tật. Có những lỗi sai phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa. Tập luyện phải đều đặn liên tục. Chỉ cần nghỉ một thời gian ngắn coi như phí công sức.
Nữ kenshi ĐỖ THỊ KIM OANH, 29 tuổi, ở TP.HCM.
Trên cả cảm giác mạnh
Trên sàn tập, những đường kiếm tre vung lên theo từng cặp đấu, tiếng chân giậm xuống sàn và kiếm vụt chan chát vào giáp bảo hộ. Cả lớp học vang lên những tiếng thét đầy uy lực. Những "kiếm sĩ" này còn được gọi là "kenshi" theo tiếng Nhật.
Những nữ kenshi xinh đẹp ở TP.HCM bắt đầu một ngày mới như vậy. Có một điểm chung ở các cô gái này là họ không theo học kendo vì phong trào, tò mò, chóng chán. Hầu hết các cô gái mà tôi gặp ở các CLB kendo đều đã theo học kiếm đạo từ 3 - 5 năm nay.
Thầy Nguyễn Sỹ Hiệp, chủ tịch CLB Nitoukan, TP.HCM, chia sẻ: "Khác với cách nghĩ thông thường, kiếm đạo tuy sử dụng cây kiếm nhưng không dành cho người mê bạo lực, hời hợt. Học kiếm là để luyện đạo, học cả tâm và thân".
CLB Nitoukan ở Nhà thi đấu Phú Thọ tạm dời về võ đường của thầy Hiệp do dịch COVID-19. Bình thường ở CLB có tới trên 50 học viên nhưng khi chuyển về võ đường nhỏ này chỉ còn chừng gần 10 người và phân nửa là các nữ kenshi.
"Mới nhìn thì ai cũng nghĩ các cô gái mà học kiếm chắc phải là "thứ dữ". Nhưng sân tôi đến nay có hơn 20 học viên là nữ. Ngày nay nhiều bạn trẻ rất yêu thích kendo vì tìm hiểu qua sách báo hoặc phim ảnh Nhật, thần tượng hình ảnh dũng, trí, nghĩa của các kiếm sĩ samurai.
Nhưng sau khi trải nghiệm thì không theo được vì đây là môn học rất mất thời gian. Như mỗi lần lên đan (đai đẳng) thì phải mất vài năm.
Mỗi đan lại cách nhau bằng số năm tương ứng với đan. Ví dụ từ shodan lên đan 2 thì phải học thêm 2 năm, lên đan 3 thì học thêm 3 năm nữa... Chưa kể còn phải qua các kỳ thi xét đan rất khó khăn" - thầy Hiệp đã dạy 15 năm chia sẻ.
Nguyễn Ngân Hà, 25 tuổi, một nữ kenshi trẻ nhưng đã có thâm niên 3 năm học kendo, chia sẻ: "Mình tập kendo được 3 năm và đã thi xong shodan. Lúc đầu mình tìm đến kendo vì luôn cảm thấy mình như thiếu cái gì đó bên trong, mình cần tìm môn võ nào có thể lấp đầy khoảng trống đó".
Nhiều người thấy học kendo sử dụng kiếm và có tính đối kháng mãnh liệt nên thường nghĩ đây là môn bạo lực, nhưng cô nàng xinh đẹp Ngân Hà khẳng định: "Cá nhân mình cảm thấy kendo an toàn, ít chấn thương vì nếu có va chạm thì đã có giáp.
Hơn nữa, kendo không dành cho người hời hợt, nếu chỉ xem qua phim ảnh thì không đủ vì nó cần người tập phải kiên nhẫn, nếu chỉ vì ham vui thì chắc chắn không theo được".
Sau 3 năm theo kendo, Ngân Hà được thầy Hiệp đánh giá cao nên hiện tại cô gái này cũng tham gia hỗ trợ CLB kèm cho học viên mới. Hà nói về dự định: "Càng theo càng mê, mình sẽ cố gắng tập lên đan cao hơn để trở thành huấn luyện viên kendo".
Đỗ Thị Kim Oanh - 29 tuổi, một nữ kiếm sĩ đang làm trong lĩnh vực marketing, TP.HCM - cũng đã luyện kiếm được 5 năm nay. Oanh đã thi xong shodan và có khá nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" ở các giải đấu kendo toàn quốc.
Oanh chia sẻ: "Thành tích lớn với mình trong việc học kendo là bản thân trưởng thành hơn về suy nghĩ, tính cách. Mình đã dự giải vô địch kendo toàn quốc năm 2018 và được giải Fighting Spirit, đó là một sự động viên và lời nhắc nhở mình phải giữ tinh thần luyện tập, chia sẻ với các bạn đồng môn".
Và dũng mãnh với thanh kiếm - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Luyện kiếm để ngộ võ đạo
Câu chuyện về hành trình theo đuổi kiếm đạo của thầy Nguyễn Sỹ Hiệp cũng được các học viên xem như bài học về niềm đam mê và kiên trì với kendo. 15 năm trước, khi kendo còn khá lạ lẫm trong các môn võ thuật thể thao Việt, thầy Hiệp đã có duyên học kiếm với một người thầy ở Nhật.
Hiện thầy Hiệp cũng là phó chủ tịch Liên đoàn Kiếm đạo TP.HCM với đẳng 4 đan hiếm hoi trong hệ phái kendo ở Việt Nam. Trước đây, TP.HCM chỉ có một vài CLB, nhưng hiện tại với sự yêu thích của giới trẻ dành cho bộ môn này cả TP có hơn 10 CLB kendo. Riêng thầy Hiệp hiện phụ trách 2 CLB là Nitoukan, Nhà thi đấu Phú Thọ và Kenzenkan, quận Gò Vấp.
Thầy Hiệp chia sẻ: "Với người Việt học kendo, đến nay người giữ 4 đan là cao nhất. Còn trên thế giới, môn kendo có bậc cao nhất là 8 đan, nhưng hiếm".
Các cô gái chọn học kiếm để tự vệ và thâm sâu hơn là vì mê võ đạo. Phạm Quỳnh Đoan Trang, 28 tuổi, đã tập kendo 5 năm, chia sẻ: "Tập kendo chừng 3 - 4 năm là có thể tự vệ, thậm chí ngay cả lúc không có kiếm.
Vì kiếm là thành phần nối dài của cơ thể". Nhà gần sân tập, nên khi Trang thấy các anh em tập ở võ đường Kenzenkan Dojo, lại đúng lúc cô muốn tìm môn võ học tự vệ nên đã đăng ký tập.
Hồi nhỏ Trang đã học karatedo nên hiện tại khi học kendo dễ dàng hơn. Trang nói: "Khi tập thì kendo cho mình lòng dũng cảm, nếu có va chạm trong cuộc sống, mình bình tĩnh hơn để xử lý. Trước đó mình từng gặp sự cố khi đi đường và sợ tới mức đứng chôn chân tại chỗ, khi học kendo rồi thì bình tĩnh hơn để ứng biến, ít nhất là... chạy được".
Với Triệu Duyên, cô gái kenshi này đã tập kendo hơn 3 năm, từ lúc còn học ĐH Y dược. Ban đầu Duyên khá sốc vì thấy bộ áo giáp hakama vừa hoành tráng vừa nặng. Dù đã được cảnh báo trước nhưng sau thời gian tập hơn một năm, được lên giáp hakama, đội mặt nạ sắt, Duyên vẫn nhớ như in cảm giác xúc động đến muốn... khóc.
Cô chia sẻ: "Mặc hakama rất thích. Mình cảm thấy tự tin, đỡ rụt rè hơn vì trước đó mình thuộc típ người hướng nội. Bước đầu học viên chỉ được mặc bộ võ phục vải, nhưng sau khi tập quen rồi sẽ được lên giáp. Cảm xúc vỡ òa luôn".
Duyên nhớ kỷ niệm lần đầu thi shodan: "Vừa hồi hộp vừa sợ vì khi thi sẽ đấu kiếm với kenshi sân khác. Mình lại là cặp đấu đứng ngay gần ban trọng tài, bạn đối thủ lại đánh tốt nên cứ lo không đạt.
May là cuối cùng cũng được shodan". Hiện Duyên đã tốt nghiệp đại học, mục tiêu của cô là vừa ổn định công việc vừa cố gắng tập để thi lên đan 2. "Học kiếm rồi thấy mình... đằm thắm hơn, vì võ đạo dạy cho mình tính khiêm cung, kiên nhẫn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn" - Duyên nói.
Có thể ban đầu những cô gái cũng như nam giới luyện kiếm vì yêu thích sự mạnh mẽ và cần tự vệ, nhưng để theo đuổi lâu dài được kendo họ phải ngộ dần kiếm đạo.
Đấu với nữ có khi còn ngán hơn nam
"Đối với kiếm đạo, nam nữ không khác biệt, dù thể chất nam có hơn một chút như chiều cao trội hơn, sức đánh mạnh hơn. Nhưng kendo chú trọng tinh thần. Lúc lên sàn mặc giáp kín mít, có khi đánh với nữ còn ngán hơn nam vì mấy bả rất tập trung.
Và dù sao thì đã học kendo là học võ đạo, không ỷ mạnh hiếp yếu, khi lên đài chỉ đánh với tinh thần kiếm sĩ mà thôi" - Lâm Chấn Cương, 26 tuổi, CLB Kenzenka, TP.HCM, nói về các đồng môn nữ.
"Đàn ông đi biển có đôi, Hoài Thương đi biển... gái đơn một mình", cô thợ máy tàu viễn dương dí dỏm về công việc của mình trên tàu vận tải biển với những hải trình vòng quanh thế giới.
Kỳ tới: Cô thợ máy tàu viễn dương
TTO - Trong phân xưởng sửa chữa - bảo hành của Toyota Cần Thơ, Ngọc Thơ di chuyển làm việc như con thoi. Cô là 'bóng hồng' xinh đẹp duy nhất trong đội thợ nam lấm lem dầu mỡ.
Xem thêm: mth.60392452231601202-meik-hnaht-av-un-ueik-4-yk-hnam-caig-mac-hciht-gnoh-gnob-gnuhn/nv.ertiout