Nông sản tại 'điểm nóng' Covid-19 Bắc Giang tiêu thụ tốt, người trồng có lời
Minh Duy - Chánh Trung
(KTSG Online) - Sau nhiều lần lên tiếng về chuyện gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh Bắc Giang vừa cho biết, đến nay việc tiêu thụ một số loại nông sản chính và vải thiều của tỉnh diễn ra thuận lợi, có những loại đã bán gần hết.
Vải thiều bán được bán với giá 40.000 đồng/kg tại một ngôi chợ ở TPHCM. Ảnh: Minh Duy |
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, đến hết ngày hôm qua (14-6), việc tiêu thụ một số loại nông sản chính, trong đó có vải thiều diễn ra thuận lợi.
Đầy mạnh kênh thương mại số
Với vải thiều, tỉnh đã bán được 104.487 tấn. Trong đó, có hơn 61.230 tấn bán ở thị trường trong nước và 43.257 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Giá bán từ 12.000-29.000 đồng/kg.
Tỉnh cũng đã thu hoạch được hơn 40.000 héc-ta lúa, đạt 80% trên tổng diện tích. Các loại nông sản khác như dứa, dưa, rau màu đã thu hoạch cơ bản xong, giá bán xấp xỉ bằng, có một số thời điểm thấp hơn năm ngoái, người trồng vẫn có lãi.
Sáng ngày 15-6 đại diện sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn-Viettel Post) cho hay trong 90 phút sự kiện livestream cùng nghệ sĩ Quyền Linh diễn ra vào tối ngày 14-6-2021 đã có 23.870 đơn hàng được đặt mua với hơn 161 tấn vải thiều được tiêu thụ. Tổng kết riêng trong ngày 14-6, Vỏ Sò đã tiêu thụ được 215 tấn vải (gấp 3 lần so với ngày 13-6) và số đơn đặt hàng lên đến 28.760 đơn. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhằm tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân Việt Nam nói chung và người nông dân trồng vải Bắc Giang nói riêng. Để vừa phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời giúp tiêu thụ nông sản Việt, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đồng hành cùng nghệ sĩ Quyền Linh tổ chức sự kiện livestream “Hướng về Bắc Giang - Chung tay tiêu thụ mùa vải chín rực đỏ” vào 19 giờ ngày 14-6. Sự kiện bao gồm các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản vải thiều Bắc Giang tới đông đảo người xem, thông qua đó thúc đẩy quá trình “Chuyển đổi số quốc gia”, cổ vũ người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa và nâng tầm giá trị nông sản Việt. |
Riêng các loại nông sản khác như dứa, dưa, nông dân đã bán gần hết. Tính cho đến ngày 13-6, 95% trong tổng sản lượng dứa và 90% dưa đã bán hết.
Trước đó, chính quyền tỉnh đã nhiều lần đề cập về việc khó tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Vào tháng trước, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hỗ trợ. Người đứng đầu tỉnh cho biết, dự kiến từ thời điểm đó đến cuối năm, tỉnh sẽ có khoảng 180.000 tấn vải thiều, 20.000 tấn rau, 15.000 tấn dứa, 44.000 tấn thịt heo... cần tiêu thụ.
Trong đó, việc khơi thông tiêu thụ vải thiều được cho là cần phải thực hiện ngay vì vải đang trong mùa thu hoạch. Từ đó đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ nông sản. Nhiều doanh nghiệp cũng tham gia để bán nông sản cho Bắc Giang, đặc biệt là bán trái vải.
Hiện nay, trên nhiều kênh bán hàng trực tuyến, siêu thị và chợ tại TPHCM, giá vải thiều bình quân khoảng 40.000 đồng/kg.
Tại buổi livestream của sàn thương mại điện tử Voso.vn (Vỏ Sò) vào tối ngày 14-6 nhằm kích cầu tiêu thụ vải Bắc Giang, ông Phạm Công Toản, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết năm nay tỉnh Bắc Giang triển khai bán vải thiều trên nhiều sàn thương mại điện tử, hiện sản lượng tiêu thụ trên kênh này đã hơn 1.500 tấn.
Ông hy vọng Vỏ Sò sẽ có thêm nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản ý nghĩa và hiệu quả không chỉ đối với vải thiều Bắc Giang mà còn cho các sản phẩm nông sản các tỉnh, thành khác trên toàn quốc.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel - chủ quản của sàn Vỏ Sò, cho biết thời điểm này rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đang nỗ lực chống Covid-19, công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên Vỏ Sò vẫn quyết tâm triển khai sự kiện để mang trái vải đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Sau sự kiện này, đại diện sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cho biết sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động khác để hỗ trợ bà con Bắc Giang nói riêng và nông dân cả nước nói chung nhằm nâng tầm giá trị nông sản Việt.
Các tỉnh đón công nhân về, "giảm tải" cho Bắc Giang
Liên quan đến việc đưa công nhân ngoài tỉnh về lại địa phương, theo UBND tỉnh, cho đến hôm qua, mới có 4 tỉnh tổ chức đón 1.982 công dân từ Bắc Giang về địa phương.
Trong đợt bùng dịch lần này, UBND tỉnh đã yêu cầu người lao động ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang nhằm hạn chế Covid-19 lây lan sang các địa phương khác. Cho đến cuối tuần trước, có hơn hơn 60.000 người đang ở tại địa phương này.
Để phòng chống dịch tốt hơn cũng như giúp tỉnh giảm bớt khó khăn khi phải đảm bảo hậu cần phục vụ hàng chục ngàn lao động chưa trở lại làm việc, Bắc Giang tính đưa hàng chục ngàn lao động ngoài tỉnh về lại địa phương từ ngày 12 đến ngày hôm nay (15-6).
Theo kế hoạch, trong trường hợp chưa giảm tải được 50% số lượng lao động ngoài tỉnh, tỉnh sẽ ưu tiên đưa lao động thuộc Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La và Yên Bái về trước.
Cho đến ngày hôm qua, tỉnh cũng đã cho phép cho 111 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất an toàn được hoạt động trở lại. Dự kiến, 16.469 lao động sẽ đi làm lại.
Mời đọc thêm:
Bắc Giang đưa hàng chục ngàn lao động ngoại tỉnh về quê từ ngày 12-6
Làm rõ khả năng bảo vệ của vaccine trước biến thể SARS-CoV-2
Sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước vào giai đoạn nước rút