vĐồng tin tức tài chính 365

Luật cho nghề xưa như trái đất

2021-06-15 10:45

Luật cho nghề xưa như trái đất

Sơn Tùng

(KTSG Online) - Thứ Sáu tuần rồi, báo chí đăng tin phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử một phụ nữ 28 tuổi với tội danh “môi giới mại dâm”(1). Người phụ nữ này trước đó bị bắt quả tang có hành vi bán dâm cho một khách hàng. Thông thường, trong trường hợp tương tự, đương sự chỉ bị xử phạt hành chính, từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, mà không bị đem ra xét xử trước tòa.

Chắc câu chuyện sẽ chỉ dừng ở đó nếu khi bị bắt quả tang, ngoài “khách hàng”, người phụ nữ đó không ở chung phòng với một phụ nữ khác cũng thuộc giới bán phấn buôn hương. Nghĩa là có ba người đang “hành sự”. Do khách hàng yêu cầu “cuộc vui” phải có ba người, đương sự đã gọi cho một cô gái khác đến khách sạn. Và như vậy, theo các cơ quan bảo vệ pháp luật liên quan, người phụ nữ này bị cáo buộc tội danh “môi giới mại dâm”, có thể bị xử tù giam từ sáu tháng đến 15 năm chiếu theo luật lệ hiện hành.

Hoàn cảnh của đương sự cũng có nhiều điều đáng nói. Cô ấy phải nuôi ba con còn nhỏ, đứa cuối cùng lại không được chồng cũ thừa nhận. Sau khi xét tình tiết giảm nhẹ, tòa tuyên phạt đương sự sáu tháng tù cho hưởng án treo.

Thực ra, dù muốn phạt nặng hơn để răn đe, có thể tòa cũng phải cân nhắc rất nhiều trong trường hợp này. Nếu phạt tù giam đương sự, không biết ai sẽ nuôi ba đứa con nhỏ của cô ấy?

Chắc có bạn đọc theo dõi vụ án này sẽ tự hỏi vì sao tòa phúc thẩm không tha bổng đương sự nếu đã xem xét hoàn cảnh của cô ấy. Phải chăng là vì do yếu tố cấu thành tội danh đã có? Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: “Người nào làm trung gian dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù…”. Theo đó, chỉ cần có hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì đã cấu thành tội môi giới mại dâm mà không cần đến yếu tố người môi giới có thu lợi gì từ hành vi môi giới đó hay không, theo trang thông tin điện tử phòng chống ma túy - mại dâm của Công an tỉnh Yên Bái trên website của tỉnh này(2). Vì vậy, nếu tòa tha bổng thì không thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, luật pháp Việt Nam rất nghiêm khắc với người phạm tội môi giới mại dâm.

Dù Việt Nam đã vận hành theo cơ chế trị trường, theo tinh thần của pháp luật hiện hành, việc quan hệ tình dục với người khác để đổi lấy tiền hay lợi ích vật chất vẫn bị cấm. Dù vậy, theo Luật Xử phạt hành chính năm 2012, người bán dâm nói chung không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ trường hợp biết mình đã nhiễm HIV hay quan hệ với người dưới 18 tuổi), mà chỉ bị xử phạt hành chính(2).

Về nguyên tắc, luật pháp Việt Nam xem việc mua, bán dâm và các hoạt động liên quan như chứa hay môi giới mại dâm là loại tội phạm xâm hại đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục. Để chống vấn nạn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hẳn Cục Phòng chống tệ nạn xã hội với một trong những nhiệm vụ hàng đầu là chống mại dâm. Nhiều địa phương cũng lên kế hoạch phòng chống mại dâm cho cả một giai đoạn. Chẳng hạn chính quyền TPHCM ngày 27-5-2021 ban hành Quyết định số 1948/QĐ-UBND về kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025(3), trong đó “phấn đấu ít nhất 80% các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được phát hiện, xử lý theo quy định…”

Tuy nhiên, khác với kết luận trong các văn bản tổng kết kế hoạch phòng chống mại dâm thường nói vấn nạn này “về cơ bản đã được đẩy lùi”, thực tế lại là một bức tranh có khi rất khác. Chẳng hạn, văn bản nêu trên của TPHCM cho biết ước tính tại thành phố này, khoảng 2.500 người “nghi vấn hoạt động mãi dâm”, và có chừng “20 điểm, tụ điểm, tuyến đường… có phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng”. Nhưng chính văn bản trên cũng thừa nhận: “…con số thực tế có thể còn cao hơn, do đây là hoạt động rất khó kiểm soát…” Tương tự, các báo cáo về số người hành nghề mại dâm ở Việt Nam đưa ra các con số rất khác nhau. Năm 2017, báo cáo của Quốc hội cho biết cả nước có khoảng 15.000 người hoạt động mại dâm, trong khi Bộ Y tế đưa ra con số 87.000, còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), con số này là hơn 101.000(4).

Có thể nói, dù nỗ lực của các cấp chính quyền chống vấn nạn mại dâm đã góp phần rất lớn hạn chế tình trạng trở nên trầm trọng hơn, thật khó nói trong thời gian qua hay trong thời gian tới, chúng ta đã hoặc sẽ đi đến chỗ chống vấn nạn này hiệu quả như chính quyền mong muốn hoặc loại bỏ nó hoàn toàn.

Ai cũng biết các tác hại rất lớn của vấn nạn này. Ví dụ, về sức khỏe đối với người bán dâm, người mua dâm (nguy cơ bệnh truyền nhiễm, bệnh HIV…); về tâm lý, tinh thần của người bán dâm (bị khinh thường, coi rẻ trong xã hội…); về mối quan hệ với các tệ nạn khác (mại dâm thường gắn với nạn bảo kê, ma túy…).

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hợp pháp hóa hoạt động mại dâm không phải là chuyện hoàn toàn vô lý. Làm sao triệt tiêu được nhu cầu tình dục chính đáng của nhiều người trên trái đất này chỉ vì họ không có hay chưa có gia đình hay bạn tình? Vì thế, mại dâm đã được xem là một nghề xưa nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều nước trên thế giới đã hợp pháp hóa nghề này. Ở Việt Nam, có dạo dư luận đã rộ lên các ý kiến xem xét lại nạn mại dâm theo hướng cởi mở hơn. Nếu hợp pháp hóa mại dâm, chính ba tác hại lớn nhất nêu trên sẽ ít nhiều được cải thiện. Ví dụ, sức khỏe của người bán dâm sẽ được theo dõi kỹ hơn qua các dịch vụ y tế chính thức dành cho họ; hay nạn bảo kê, chăn dắt người bán dâm sẽ giảm bớt; và cái nhìn của xã hội cũng sẽ bớt khắt khe hơn. Tuy vậy, cho đến hiện nay, xu hướng “hợp pháp hóa” vẫn rất khó được chấp nhận.

Hơn năm năm trước, chính quyền Đà Nẵng ban hành quyết định số 1010/QĐ-UBND cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để được chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp(5). Khi ấy, quyết định này được xem như một chính sách nhân văn, nhưng cũng bị hoài nghi về tính khả thi.
Hơn một năm trước, website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đăng một bài viết thuộc dạng “nghiên cứu, trao đổi” với nhan đề “Xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm: hướng tới bảo đảm quyền con người”(6).

Theo bài viết này, “…khuôn khổ pháp lý về phòng, chống mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục với việc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013”(6).

Tác giả bài viết cho rằng Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhiều hơn các công ước quốc tế về quyền con người, trong khi hệ thống pháp luật trong nước chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết(6).

Bài viết cũng nêu rõ, pháp lệnh nói trên và các văn bản liên quan khác chưa quy định biện pháp cụ thể về đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm “liên quan đến việc được bảo vệ trong những vụ án hiếp dâm và cưỡng bức tình dục khác mà họ rất dễ bị tổn thương trong khi hoạt động mại dâm(6)”. Đã có những trường hợp người bán dâm là nạn nhân lại bị đối xử như người đã vi phạm pháp luật và bị tước quyền tự do trong một thời gian nhất định tại các cơ sở chữa bệnh bắt buộc, bài viết cho biết.

Bài viết cũng nêu ra năm nguyên tắc cơ bản của việc phòng chống mại dâm, trong đó phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người bán dâm và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với họ. Theo đó, người bán dâm là thuộc nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Họ rất cần sự đảm bảo các quyền cơ bản của mình cũng như “tạo điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hoà nhập xã hội”(6).

Trở lại với người phụ nữ trong phiên tòa phúc thẩm nêu ở đầu bài. Cô ấy khóc như mưa trong phiên tòa, một hình ảnh vô cùng chua xót không những đối với chính đương sự mà còn có thể đối với nhiều người Việt. Vẫn biết, nhiều đối tượng bán dâm chỉ để thỏa mãn nhu cầu vật chất cá nhân mà nếu theo đuổi nghề nghiệp bình thường họ khó lòng kham nổi. Nhưng chắc chắn họ chỉ làm nên con số nhỏ trong nghề bán phấn buôn hương bởi lẽ có mấy người “thỏa” được các “tiêu chí” dành cho “gái gọi, trai bao” của những đại gia lắm tiền rửng mở. Số đông còn lại là những mảnh đời rách rưới, tả tơi theo đuổi một nghề vào dễ, khó ra, mà đến khi nhan sắc tàn phai chỉ sau vài năm ngắn ngủi thì cuộc đời cũng chẳng còn lại gì.

Ước mong sao khi đại dịch đi qua, các đại biểu Quốc hội mới được bầu sẽ dành thời gian xem xét vấn đề này một cách thấu đáo để chúng ta sẽ có được một luật về phòng chống mại dâm vừa có thể giảm bớt tác hại của nó một cách nhân văn, vừa để người phụ nữ nêu trên không phải khóc như mưa trong phiên tòa phúc thẩm.
------------
(1)https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/gai-ban-dam-nhan-an-tu-vi-chieu-khau-vi-la-cua-khach-744972.html

(2)https://www.yenbai.gov.vn/phong-chong-ma-tuy/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=969&l=TinHoatDong

(3)http://pctnxh.molisa.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=17&id=3373

(4)https://vneconomy.vn/uoc-tinh-so-nguoi-ban-dam-tai-viet-nam-dang-co-do-venh-lon.htm

(5)https://thanhnien.vn/thoi-su/da-nang-bao-ve-nguoi-ban-dam-ho-cung-la-con-nguoi-673513.html

(6)http://pctnxh.molisa.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&id=2337

Xem thêm: lmth.tad-iart-uhn-aux-ehgn-ohc-taul/263713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Luật cho nghề xưa như trái đất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools