Ngày 16-6 Chính phủ ban hành nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Theo đó, nghị quyết cho phép UBND các tỉnh có dự án đi qua được phê duyệt khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có trong quy hoạch, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới, các tỉnh chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án.
Các nhà thầu đang thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG
Đối với mỏ khoáng sản đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác các tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép khai thác mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường…
Nghị quyết cũng giao cho các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi.
Đặc biệt các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bán vật liệu cho tổ chức, cá nhân khác hoặc không cung cấp khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho nhà đầu tư, nhà thầu đã ghi trong giấy phép. Song song đó các địa phương thu hồi giấy phép của các đơn vị này để cấp cho dự án theo quy định.
Bộ Công Thương được giao khẩn trương nghiên cứu, điều tra theo pháp luật cạnh tranh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh liên quan đến vật liệu xây dựng như hành vi thông đồng, thỏa thuận để găm hàng, tăng giá, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để trục lợi và báo cáo Thủ tướng ba tháng một lần.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam gồm có 11 dự án thành phần. Trong đó, sáu dự án đã khởi công và năm dự án còn lại sẽ khởi công trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án thực tế chỉ đạt khoảng gần 70% yêu cầu.
Việc chậm cung cấp vật liệu dẫn tới một số dự án thành phần chậm tiến độ, nên cần thiết phải thực hiện một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản cho dự án trên.