Trung tâm ngoại ngữ Sài Gòn Vina Ảnh: Minh Giảng
Trung tâm ngoại ngữ Sài Gòn Vina (SGV) có nhiều chi nhánh tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng. SGV ký hợp đồng với giáo viên theo từng khóa học (dưới ba tháng), lương trả sau khi khóa học kết thúc. Thế nhưng, không ít giáo viên kết thúc chương trình dạy hai năm nay vẫn chưa được nhận lương.
Mòn mỏi đòi lương
Anh S. - giáo viên dạy tại cơ sở SGV đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) - cho biết trung tâm nợ lương anh hơn một năm dù đã nhiều lần đòi và trung tâm nhiều lần hứa. Tới ngày hẹn trả lương, trung tâm lại lấy lý do chưa có nguồn thu nên tiếp tục khất. Theo anh S., học phí trung tâm thu trước khi mở lớp, ký hợp đồng với giáo viên nhưng trung tâm luôn lấy lý do hết tiền để khất lương.
Một giáo viên khác cho biết vì đam mê dạy học nên đã hợp tác với trung tâm này từ giữa năm 2018. Đến năm 2020 đã ngưng nhận lớp do nợ lương đến thời điểm đó gần 30 triệu đồng. Sau đó là chín tháng ròng rã đi đòi lương.
"Sau khi làm việc với kế toán ba tháng không hiệu quả, tôi được liên hệ với một người khác. Người này cam đoan trả hết lương cho tôi trong một tháng với điều kiện phải nhận tiếp lớp mới. Lớp này cũng được thanh toán đúng lịch như cam kết trên hợp đồng.
Tháng 12-2020 hoàn thành xong đợt 1 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lương. Kế toán hẹn trước tết, rồi sau tết, rồi trong tháng 3, rồi tuần sau. Đã bốn cái tuần sau trôi qua tôi vẫn chưa nhận được đồng nào. Tôi cảm thấy mình đang bị lừa gạt, tiếc công đội nắng mưa ngập nước đi dạy nhưng bị quỵt lương" - giáo viên bức xúc nói.
Đây là tình cảnh chung của nhiều giáo viên khác tại trung tâm này. Có trường hợp phản ảnh bị nợ lương đến 2, 3 năm. Chị H. - giáo viên tiếng Trung tại cơ sở quận 4 - cho biết đã hai năm sau khi các khóa học kết thúc nhưng SGV vẫn chưa trả 12 triệu tiền lương. Chị hết gọi điện, lên trụ sở trung tâm cũng chỉ nhận được biên bản xác nhận và cam kết trả nợ nhưng rồi cũng không thấy tiền đâu. Thậm chí có giáo viên tiếng Nhật cho biết SGV nợ lương đến 60 triệu đồng...
Liên tục hứa và khất
Không chấp nhận việc bị nợ lương quá lâu, nhiều giáo viên đã làm căng. Anh N. cho biết trung tâm hiện nợ anh hơn 30 triệu tiền lương. Sau nhiều lần đến trung tâm "đòi quyết liệt", anh được trả 4,5 triệu đồng, số còn lại là hứa trả. Tương tự, một giáo viên khác cho biết trung tâm liên tục hứa trả lương. Sau nhiều lần lên trụ sở đòi, SGV trả nhỏ giọt từng tháng từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ hơn 10 triệu đồng.
Theo các đoạn trao đổi qua tin nhắn giữa giáo viên và nhân viên kế toán tên Hùng, nhân viên này liên tục than SGV hết tiền, hết kinh phí chi trả. Thậm chí nhân viên than thở trung tâm phải đi vay từng triệu đồng để trả lương cho giáo viên. Trong một tin nhắn trả lời việc đòi nợ của giáo viên vào tháng 2-2021, nhân viên cho biết mấy tuần gần đây không có học viên đóng học phí nên nguồn tiền không có.
"Đang cố gắng gom đủ 1 triệu gửi em mà chưa có. Đủ tiền anh nhắn em liền. Anh đang đi vay tiền, được gửi em ngay" - ông Hùng nhắn. Ở một tin nhắn khác, ông Hùng cũng than do tình hình dịch bệnh nên không nhiều học viên đóng tiền học.
"Khi có lớp trung tâm mới mời giáo viên ký hợp đồng dạy thời vụ theo khóa chứ không phải trả lương cứng. Mỗi khóa dạy khoảng 2,5 tháng, lương 3,6 triệu đồng. Sau khi khóa học kết thúc, trung tâm thanh toán lương. Tôi dạy sáu lớp phải ký sáu hợp đồng khác nhau. Học phí của học viên trung tâm đã thu, vì sao lại không có tiền trả cho giáo viên?
Trong khi lương giáo viên cũ vẫn dây dưa chưa trả, SGV vẫn đang tiếp tục tuyển giáo viên mới hàng loạt. Như vậy sẽ có biết bao giáo viên rơi vào cảnh bỏ công sức ra dạy rồi phải miệt mài đi đòi lương và chưa biết khi nào sẽ có.
Hiện chúng tôi đang tập hợp lại để làm đơn tập thể gửi cơ quan chức năng về việc nợ lương kéo dài" - một giáo viên bức xúc nói.
"Dịch bệnh ảnh hưởng doanh thu"
Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với đại diện của SGV. Phóng viên đặt vấn đề có phải SGV nợ lương nhiều giáo viên không? Người này cho biết do tình hình dịch bệnh nên không có doanh thu dẫn đến nợ lương giáo viên.
"Công ty còn tồn tại, trong tương lai có thể trả nợ được. Nếu làm căng lên, công ty phá sản, người lao động biết lấy nợ ở đâu? Hiện nay doanh nghiệp phá sản rất nhiều" - người này trả lời qua tin nhắn.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với lãnh đạo trung tâm này nhưng hiện chưa có câu trả lời.
TTO - Một trung tâm ngoại ngữ tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngưng hoạt động giữa chừng khiến hơn 100 học viên lo lắng trước nguy cơ không đòi lại được học phí đã đóng. Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của trung tâm này.
Xem thêm: mth.66491502261601202-man-2-nag-neiv-oaig-gnoul-on-aniv-nog-ias-ugn-iaogn-mat-gnurt/nv.ertiout