Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nội dung đặc biệt quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết. Trên cơ sở luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn sâu sắc, bài viết đã làm rõ bản chất, đặc trưng, thể chế, cấu trúc, cơ chế vận hành, mục tiêu… của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó khẳng định một cách nhất quán, xuyên suốt, rõ ràng, vững chắc về mặt nhận thức, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc cơ bản và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Vì sao khẳng định như vậy?
Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp ở Việt Nam trước đổi mới, sau một thời kỳ dài được thực hiện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh đất nước hòa bình sau chiến tranh, mô hình này về cơ bản không còn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể nữa, kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài. Hệ thống XHCN đối diện với nhiều thách thức, mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, Đại hội XI (1986) khởi xướng và thực hiện công cuộc đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện nền kinh tế hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý điều tiết của nhà nước, theo định hướng XHCN, mà sau này đầy đủ, khái quát hơn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự đột phá, sáng tạo trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Trong suốt quá trình hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta nhận thức ngày càng rõ và sát thực tế hơn về tính tất yếu, mục tiêu, bản chất, đặc trưng, cấu trúc, thể chế, cơ chế vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng được hình thành phát triển qua các nhiệm kỳ (từ Đại hội VI đến nay là Đại hội XIII của Đảng) ngày càng rõ ràng, nhất quán. Xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ. Lý luận và thực tiễn thực hiện, vận hành kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là chưa có trong tiền lệ lịch sử nhân loại. Đây là sự sáng tạo riêng có, độc đáo, đột phá của Đảng trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể cách mạng Việt Nam.
Trả lời câu hỏi cho sự hoài nghi của không ít học giả tư sản và những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có phải là nền kinh tế thị trường tư bản? Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Tổng Bí thư khẳng định là không: “Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa”. Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Những đặc điểm, ưu thế chung của nền kinh tế thị trường hiện đại được Đảng ta tiếp thu có chọn lọc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, đảm bảo sự phát triển của xã hội, vì mục tiêu phát triển con người. Điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp, tính nhất văn của chế độ xã hội. Theo đó thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Tổng Bí thư chỉ rõ điều đó có nghĩa là: “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiếp bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế được xây dựng, thực hiện đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, mỗi chính sách xã hội nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế ấy để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.
Từ đó để xây dựng “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”.
Đây là mong ước tốt đẹp, mục tiêu mà nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến, cũng chính là cách thức thực hiện mục tiêu, giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Con đường biện chứng của nhận thức chân lý chỉ rõ: “Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Nhìn lại 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” là minh chứng sinh động về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững. Văn hóa xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân thay đổi, vị thế, uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên.
Đúng như Tổng Bí thư khẳng định: “nói một cách khiêm tốn nhất, có thể khẳng định chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”.
Đánh giá mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bài viết của Tổng Bí thư, Giáo sư, tiến sĩ Furata Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật cho rằng: “Quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước phát triển về tư duy, đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2045, khi Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì mô hình này không chỉ của riêng Việt Nam nữa, mà đối với thế giới đó sẽ trở thành mô hình rất thuyết phục”.
Thành tựu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về mặt lý luận, thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đưa nước ta vào một giai đoạn phát triển mới. Bài viết của Tổng Bí thư đã trả lời những câu hỏi lớn về mô hình kinh tế ở Việt Nam một cách sáng rõ trên cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc. Bài viết đã củng cố vững chắc thêm niềm tin trong nhân dân, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, kinh tế thị trường định hướng XHCN là sáng tạo, đột phá, phù hợp với quy luật, thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Xem thêm: /701646-gnaD-auc-oat-gnas-av-naul-yl-ahp-toD/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac