Ngày 16-6 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các nhà lập pháp rằng Mỹ cần phải kiềm chế các vụ mua lại có hại của Trung Quốc và hạn chế đầu tư của Mỹ vào một số công ty Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia. Song, bà cũng lưu ý việc cắt đứt hoàn toàn các quan hệ hợp tác về công nghệ sẽ là điều đáng lo ngại, theo tờ South China Morning Post.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Yellen cho biết Trung Quốc là đối thủ nặng ký nhất của Mỹ và nước này đã đặt ra những thách thức đối với an ninh và các giá trị dân chủ của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: CNP/BLOOMBERG
Bộ trưởng Yellen nói Mỹ đang xem xét đầy đủ các công cụ mà nước này có để đẩy lùi các hành vi gây hại cho an ninh quốc gia cũng như lợi ích kinh tế rộng lớn hơn từ Trung Quốc. Đồng thời, bà cũng lưu ý rằng Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một cơ quan liên cơ quan do Bộ Tài chính lãnh đạo, đã giúp kiềm chế các vụ mua lại của Trung Quốc vốn cho phép nước này tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Tuy nhiên, nữ bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại trường hợp Mỹ hoàn toàn cắt đứt các mối liên hệ về công nghệ với Trung Quốc. Bà lưu ý rằng nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu đều tỏ ra do dự về việc cắt đứt hoàn toàn các hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
"Nếu đi quá xa trong việc tiếp cận vấn đề này, Mỹ có thể đánh mất những lợi ích từ việc có các hệ thống công nghệ tích hợp toàn cầu, nơi những tiến bộ ở một quốc gia mang lại lợi ích cho các nước trên toàn thế giới" - bà nói.
Ngoài vai trò hàng đầu trong việc xem xét các vụ mua bán và sáp nhập của Trung Quốc ở Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ còn được trao quyền mới để xác định và duy trì danh sách các công ty có sự hậu thuẫn của quân đội Trung Quốc. Các nhà đầu tư Mỹ bị hạn chế khỏi các công ty này, để ngăn việc Trung Quốc dùng vốn của Mỹ để phát triển quân đội.
Nhận xét của bà Yellen được đưa ra chỉ một tuần sau khi Thượng viện thông qua bộ luật dành hơn 250 tỉ USD tài trợ cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ.
Trong khi đó, Hạ viện đang xem xét dự luật riêng của mình với tên gọi "Đạo luật Đại bàng" để chống lại Bắc Kinh, mặc dù triển vọng của nó là không chắc chắn.
Trong dự luật của Thượng viện, 52 tỉ USD sẽ được chi để giúp Mỹ khôi phục hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở, giúp nước này ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn.
Mới đây, Mỹ đã bắt đầu mở rộng sản xuất chip, thu hút Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), một tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực này, xây dựng một nhà máy ở bang Arizona (Mỹ).
Một báo cáo được công bố vào tuần trước về chuỗi cung ứng của Mỹ, nghiên cứu nhập khẩu chất bán dẫn, dược phẩm, pin ô tô và các nguyên tố đất hiếm, cho biết: "Trung Quốc nổi bật với việc sử dụng tích cực các biện pháp khác nhau, nhiều biện pháp trong số đó nằm ngoài các thông lệ thương mại công bằng được chấp nhận trên toàn cầu".