Theo Hãng tin Reuters, nếu thành công, nỗ lực đảo chính ở Gabon là cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. Trước đó đảo chính đã diễn ra ở Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad… và gần nhất là Niger.
Đảo chính ở Gabon
Xuất hiện trên kênh truyền hình Gabon 24, các sĩ quan quân đội cấp cao của Gabon tuyên bố họ đại diện cho tất cả lực lượng an ninh và quốc phòng tại quốc gia Trung Phi này.
Nhóm sĩ quan khẳng định kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, tất cả biên giới đều đóng cửa cho đến khi có thông báo mới và các cơ quan nhà nước đã giải thể.
"Nhân danh người dân Gabon, chúng tôi quyết định bảo vệ hòa bình bằng cách chấm dứt chế độ hiện tại", các sĩ quan Gabon cho hay.
Thông báo này được công bố chỉ vài giờ sau khi Trung tâm bầu cử Gabon (CGE) tuyên bố ông Ali Bongo Ondimba đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 64,27% phiếu bầu. Đối thủ chính của ông Bongo là Albert Ondo Ossa đứng thứ hai với 30,77% phiếu bầu.
Căng thẳng gia tăng sau khi có kết quả bầu cử. Phe đối lập cho rằng ông Bongo đang tìm cách duy trì quyền lực đã kéo dài hơn 50 năm của gia đình.
Lần này, ông Bongo đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 5 năm lần thứ 3 và trước đó cha ông là Omar Bongo cũng đã làm tổng thống trong 41 năm.
Việc thiếu quan sát viên quốc tế, đình chỉ một số chương trình phát sóng nước ngoài và quyết định cắt internet của chính quyền, cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc sau cuộc bầu cử đã làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của quy trình bầu cử.
Vì sao châu Phi nhiều đảo chính?
Theo trang The Conversation, tính đến năm 2012, đã có hơn 200 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính ở châu Phi. Cứ 55 ngày lại có một cuộc đảo chính xảy ra trong những năm 1960 và 1970, đồng thời hơn 90% các quốc gia châu Phi đã từng trải qua đảo chính.
Sau Chiến tranh Lạnh, châu Phi hướng tới tiến trình dân chủ, ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên chính trị và pháp quyền. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị khu vực cho rằng nền dân chủ ở châu Phi có xu hướng hời hợt, phần lớn mang tính hình thức, do đó các điều kiện gây ra đảo chính vẫn tồn tại.
"Các nước châu Phi đều có những điều kiện chung cho các cuộc đảo chính, như nghèo đói và hiệu quả kinh tế yếu kém. Khi một quốc gia xảy ra đảo chính, đó thường là điềm báo về nhiều cuộc đảo chính khác trong khu vực", đài BBC trích lời ông Jonathan Powell, nhà nghiên cứu người Mỹ.
"Một trong những lý do chính cho các cuộc đảo chính là khi các tổng thống nắm quyền quá lâu và mất tập trung, việc này khiến các tổ chức chính phủ suy yếu và cuối cùng dẫn tới bị quân đội tiếp quản" - ông Sultan Kakuba, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kyambogo ở Uganda, phân tích với hãng thông tấn Anadolu.
Giáo sư Kakuba không loại trừ khả năng có nước ngoài can thiệp trong một số cuộc đảo chính ở châu Phi.
"Một số nước phương Tây ủng hộ những nhà lãnh đạo phục vụ lợi ích của họ, nhưng một khi một nhà lãnh đạo ngừng phục vụ nhu cầu của họ, họ sẽ lên kế hoạch lật đổ ông ta" - ông Kakuba giải thích.
Còn ông Mustafa Mheta - nhà nghiên cứu cấp cao tại Media Review Network (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Johannesburg, Nam Phi), nói với Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Pháp có thể nhúng tay vào một số cuộc đảo chính ở các thuộc địa cũ của họ ở Tây Phi.
Theo ông Mheta, những cuộc đảo chính này là một phần trong kế hoạch lớn của các cường quốc phương Tây, vốn nhận thức được sự trỗi dậy của Trung Quốc và đang sử dụng các cuộc đảo chính để ngăn chặn bước tiến của Bắc Kinh trong khu vực.
Người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger, tướng Abdourahamane Tchiani, cam kết đưa quốc gia Tây Phi này quay lại chế độ dân sự trong vòng 3 năm nữa.