Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại tòa biệt thự cổ Villa La Grange tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16-6 - Ảnh: Reuters
Đúng là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có ngắn hơn dự trù, song không phải vì "bỏ ngang xương" (như giữa ông Kim Jong Un và ông Donald Trump năm nào) hay vô bổ, mà "âm điệu của toàn bộ cuộc gặp, tổng cộng ước chừng bốn tiếng, là tốt, tích cực, không có bất kỳ hành động nhức óc đinh tai xảy ra" - như đánh giá của ông Biden trong cuộc họp báo riêng.
Người đối thoại với ông Biden - Tổng thống Putin - cũng đánh giá tích cực, cho thấy một cảm nhận khác song ít nhiều đồng điệu: "Tôi tin không có sự thù địch nào cả. Hoàn toàn ngược lại... Cuộc trò chuyện diễn ra khá mang tính xây dựng".
"Chúng tôi, Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ghi nhận rằng Hoa Kỳ và Nga đã chứng minh rằng ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng vẫn có thể đạt được tiến bộ đối với các mục tiêu chung của chúng tôi là đảm bảo tính dự báo trong lĩnh vực chiến lược, giảm nguy cơ xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tuyên bố chung tổng thống Mỹ - Nga ngày 16-6-2021 về tính ổn định chiến lược
Họp xong, được gì?
Dư luận thắc mắc hai ông lặn lội sang một quốc gia trung lập gặp nhau để được gì? Hay chính xác hơn là thế giới được gì?
Ông Putin cảm ơn ông Biden đã chủ xướng cuộc gặp này. Ông Biden có nhiều lý do để làm vậy. Trước hết, ông muốn gặp trực tiếp vì cho rằng "không gì thay thế được một cuộc đối thoại mặt đối mặt giữa các nhà lãnh đạo".
Tổng thống Mỹ cho rằng "tôi và Tổng thống Putin có chung trách nhiệm quản lý mối quan hệ giữa hai quốc gia hùng mạnh và đầy hãnh diện này, một mối quan hệ phải ổn định và có thể lường trước". Và thứ nữa, theo ông Biden, "chúng ta sẽ có thể hợp tác ở những nơi có lợi ích chung".
Trách nhiệm chung đối với thế giới cũng là điều ông Putin nói tới và nói rất cụ thể, không "son phấn": "Hoa Kỳ và Liên bang Nga chịu trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, ít nhất vì chúng ta là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất - về số lượng đạn dược và đầu đạn, số lượng phương tiện phóng đầu đạn, mức độ tinh vi và chất lượng của vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm này".
Có thể thở phào khi ít nhất hai vị tổng thống đều ý thức được trách nhiệm không để dẫn tới một cuộc đụng độ, nhất là hạt nhân.
Nói thẳng, nói hết
Nhưng làm sao để tránh được đụng độ? Ông Biden nhắc lại việc gặp mặt là để hai bên nói ra "chỗ nào mỗi bên không nhất trí - tôi bực ở đâu thì nói ra, ông ta bực ở đâu thì nói ra. Vấn đề là không xổ ra trong cuồng nộ".
Ông Putin cũng giải thích như thế: "Lập trường của chúng tôi khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng tôi vẫn nghĩ cả hai đều thể hiện sự sẵn sàng hiểu nhau và tìm cách đưa quan điểm của chúng tôi đến gần nhau hơn".
Từ nguyên tắc đó, ông Putin nói ra những chuyện làm ông bực dọc: sự "tọc mạch" về các nhân vật đối lập ở Nga, chuyện Ukraine, tố cáo tấn công mạng... Và rồi ông Biden giải thích.
Nghe ông Biden thuật lại, có thể ngờ rằng trước cuộc họp này, ông Putin hầu như chưa từng nghe một người tiền nhiệm nào của ông Biden, càng không phải người tiền nhiệm gần nhất là Donald Trump, giải thích rõ ràng và dễ hiểu vì sao Chính phủ Mỹ cứ "xét giấy" Chính phủ Nga chuyện nhân quyền. Lâu nay ông Putin vô cùng bực dọc chuyện đó.
Ông Biden nói: "Chuyện nhân quyền luôn được đặt lên bàn. Đó không phải để truy đuổi nước Nga vi phạm nhân quyền, mà vì chúng tôi là như vậy đó. Làm sao tôi có thể là tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà không lên tiếng phản đối việc vi phạm nhân quyền?... Đó là một phần trong ADN của đất nước chúng tôi".
Ông Biden, làm chính trị ở cấp cao từ thập niên 1970, đã thấm một phong cách làm việc rất nguyên tắc. Ông ấy đã khái quát hóa cách thức và nội dung ông đã họp với ông Putin. Thứ nhất, ông xác định các lĩnh vực thiết thực mà hai nước có thể làm để thúc đẩy lợi ích chung của các bên và mang lại lợi ích cho thế giới. Thứ hai, thông báo trực tiếp rằng Hoa Kỳ sẽ đáp lại những hành động gây bất lợi cho lợi ích sống còn của Hoa Kỳ hoặc của các đồng minh Hoa Kỳ. Và thứ ba, ông Putin nghe trực tiếp từ ông Biden bày tỏ rõ ràng các ưu tiên và các giá trị của Hoa Kỳ.
Ông Putin cũng ứng xử như thế. Như ông đã cho thấy trong trả lời họp báo: "Về việc các cuộc tập trận quân sự, chúng tôi tiến hành chúng trên lãnh thổ của mình, giống như Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc tập trận trên lãnh thổ của họ. Nhưng chúng tôi không đưa thiết bị và nhân sự của chúng tôi đến gần biên giới của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khi tiến hành tập trận. Thật không may, đây là điều mà các đối tác Hoa Kỳ của chúng tôi đang làm. Vì vậy, phía Nga, chứ không phải phía Mỹ, nên lo lắng về điều này, và điều này cũng cần được thảo luận, các lập trường tương ứng của chúng ta cần được làm rõ".
Kết quả bước đầu
Không nêu trong thông cáo chung song trong họp báo ông Putin cho biết hai bên sẽ cho phép các đại sứ quay trở lại nhiệm sở sau khi đã triệu hồi vào đầu năm. Một chuyện nhỏ không cần ghi trong thông cáo chung, cũng như chuyện hai bên họp báo riêng.
Nếu tinh ý sẽ nhận ra thường thì các cuộc họp báo dễ thu hút một số câu hỏi cật vấn có thể gây căng thẳng ngoài ý muốn hai nhân vật chủ tọa. Nên tốt hơn là họp báo riêng, để dư vị cuộc họp còn đọng lại chút ngọt ngào. Lâu lắm mới thấy một tổng thống Mỹ gặp tổng thống Nga một cách "đâu ra đó"!
TTO - Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva đã kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận, ngắn hơn dự kiến.
Xem thêm: mth.4804609081601202-uahn-pag-agn-ym-gnoht-gnot-iah-ihk/nv.ertiout