CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 vừa phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn bình quân trên 14 năm. Mục đích phát hành nhằm phục vụ đầu tư Nhà máy Điện gió Ea Nam.
Tài sản đảm bảo là toàn bộ cổ phần của các cổ đông tại CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1; toàn bộ tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả tài sản hình thành trong tương lai) thuộc Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam; bất động sản là toàn bộ máy móc, thiết bị và bất động sản khác thuộc dự án; toàn bộ quyền phát sinh từ dự án.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần gần nhất, Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 có vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là phần lớn cổ phần không còn thuộc về các cổ đông sáng lập, bao gồm cả CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Ngay trước thời điểm tăng vốn, Trung Nam Group cùng CTCP Thủy điện Trung Nam và ông Đỗ Hải Nam vẫn nắm 100% cổ phần Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1.
Trung Nam Đăk Lăk 1 là chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam công suất 400 MW, dự án đi cùng xây dựng mới trạm biến áp 500 kV – 450 MVA đấu chuyển tiếp lên đường dây 500 kV Pleiku – Di Linh, có tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng. Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Đăk Lăk đã chấp thuận cho Trung Nam Group thực hiện dự án này.
Vốn điều lệ của Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 hiện tại tương đương 23% tổng mức đầu tư dự án điện gió Ea Nam. Theo quan sát, các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho đến nay thường sử dụng cơ cấu 1 vốn – 4 nợ. Điều này để ngỏ khả năng Trung Nam Đăk Lăk 1 sẽ phải huy động thêm nguồn nợ vay trong thời gian tới, mà một trong những phương án khả dĩ là phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp.
Theo thống kê, Trung Nam Group nằm trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất kể từ khi dữ liệu này được công bố trên HNX.
Tính đến nay, các thành viên của Tập đoàn Trung Nam đã thu về tổng cộng 19.300 tỷ đồng, phần lớn đổ về các dự án năng lượng tái tạo. Lượng trái phiếu phát hành này không thua kém gì các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, những lĩnh vực đều đang "khát vốn".
Đặc điểm của các dự án điện tái tạo là thời gian triển khai tương đối nhanh. Thêm một yếu tố khác là đa phần các dự án có lãi lớn ngay trong năm đầu tiên vận hành thương mại, điều này được hỗ trợ giá mua điện FIT (Fit – in – Tariff) từ Chính phủ.
Trong những năm gần đây, Trung Nam Group tương đối năng nổ trong việc đầu tư vào các dự án điện tái tạo.
Các dự án đã hoàn thành gồm Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (140 MW), Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (450 MW), Điện mặt trời Trung Nam (204 MW) phát triển cùng trang trại điện gió (152 MW)… Ngoài ra Trung Nam Group cũng đang triển khai một số dự án điện gió tại Ninh Thuận và Trà Vinh.
Trong tháng 4 – 5 năm nay, Trung Nam Group đã bán 49% dự án điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc) cho CTCP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35% cổ phần Nhà máy Điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết công ty đang ngày càng mở rộng quy mô và có kế hoạch "lấn sân" thêm nhiều lĩnh vực.
"Chuyển nhượng cổ phần là một trong những cách thức hợp pháp giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn, hỗ trợ "tiếp sức" cho doanh nghiệp để tiếp tục phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc của Trung Nam là chỉ chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn minh bạch, rõ ràng đến từ các quốc gia có quan hệ tốt với Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ luôn cân đối để giữ lại số cổ phần chi phối", ông Tiến chia sẻ.
Đông A
Nhịp sống kinh tế