vĐồng tin tức tài chính 365

Blockchain - cách mạng trong thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật?

2021-06-20 10:58

Blockchain - cách mạng trong thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật?

Thiên Kim

(KTSG) - Tại sao blockchain lại được thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật ưa chuộng? Nó đem lại lợi ích gì?

Thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật, từ khoảng 20 năm trở lại đây, đang có những thay đổi căn bản nhờ vào công nghệ số. Năm 1999, người ta không quên rằng chính cách mạng công nghệ 2.0 đã dẫn tới quan hệ hợp tác đối tác giữa Sotheby’s (nhà đấu giá tác phẩm nghệ thuật hàng đầu thế giới) và Amazon.

Tuy mối quan hệ đối tác này chẳng mấy phát triển, nó đánh dấu sự khởi đầu của các hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật trên mạng, mà hiện đang là một kênh giao dịch đặc biệt quan trọng. Không chỉ thế, từ nhiều năm trở lại đây, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã và đang tạo nên những chuyển biến chóng mặt hơn. Thậm chí, nhiều người cho rằng công nghệ này đang tạo ra một cuộc cách mạng trong thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật.

Dưới khía cạnh pháp lý, hiện nay, chưa có bất cứ quy định nào công nhận blockchain như một “cơ quan” chứng thực tác phẩm nghệ thuật hay chứng thực giao dịch.

Có thể nói, năm 2021 là điểm mốc đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử blockchain. Ngày mùng  10 vừa qua, tại nhà Sotheby’s (New York) đã diễn ra vụ đấu giá liên quan tới tác phẩm mang tên “Quantum”.

Đây chính là tác phẩm nghệ thuật phiên bản số dưới dạng NFT (non-fongible token - tiền mã hóa không thể thay thế) đầu tiên trong lịch sử. Tác phẩm này, do nghệ sĩ người New York Kevin McCoy tạo ra năm 2014, đã được bán với giá 1,47 triệu đô la Mỹ.

Ngay sau đó, tác phẩm cũng dạng NFT “CryptoPunk” được bán với giá 11,7 triệu đô la. Vào tháng 3-2021, tác phẩm “Everydays the First 5.000 Days” của nghệ sĩ Beeple cũng đã được bán với giá kỷ lục 69 triệu đô la, giữ vị trí là tác phẩm dạng NFT đắt nhất thế giới hiện nay.

Công nghệ blockchain được thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật ưa chuộng vì những lý do sau:

Thứ nhất, công nghệ blockchain cho phép chứng thực nguồn gốc tác phẩm cũng như các giao dịch liên quan đến tác phẩm. Từ trước tới nay, thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật thường được điều chỉnh bởi những quy định pháp lý trong lĩnh vực quyền tác giả, luật liên quan tới hợp đồng mua bán và luật về trách nhiệm dân sự/hình sự.

Các quy định pháp lý nói trên giúp người mua đảm bảo tính xác thực của tác phẩm gốc, cũng như cho phép người mua khởi kiện người bán, chuyên gia thẩm định hay nhà tổ chức đấu giá, khi có nghi vấn về nguồn gốc của tác phẩm.

Trong thị trường này, việc xác nhận tác phẩm gốc, cũng như việc theo dõi các giao dịch mua bán tác phẩm gốc đóng vai trò vô cùng quan trọng: người mua cần phải biết rằng tác phẩm là bản gốc, không phải là một bản sao, cũng như không phải là đồ “ăn cắp” hay bị “tuồn” vào bán một cách bất hợp pháp. Hiện nay, các biện pháp theo dõi giao dịch kiểu truyền thống không thể chứng thực một cách thực sự chính xác nguồn gốc tác phẩm.

Việc xác nhận tác phẩm gốc, cũng như việc theo dõi các giao dịch mua bán tác phẩm gốc đóng vai trò vô cùng quan trọng: người mua cần phải biết rằng tác phẩm là bản gốc, không phải là một bản sao

Trong khi đó, như nhiều người đã biết, công nghệ blockchain cho phép lưu lại và theo dõi một cách chính xác lịch sử mọi giao dịch, không khác gì một quyển “sổ theo dõi lớn”, mà mọi người đều có thể đọc, viết bổ sung nhưng không thể xóa hay thay đổi dữ liệu của nó.

Một mặt, người ta có thể quản lý một tác phẩm nghệ thuật dựa vào blockchain, bằng thể hiện tác phẩm dưới dạng tiền mã hóa NFT. Nhờ vào công nghệ này, người ta có thể chứng thực một cách chính xác nguồn gốc của tác phẩm.

Mặt khác, blockchain cho phép ghi lại một cách chính xác mọi giao dịch thay đổi chủ sở hữu tác phẩm. Một khi tác phẩm hay giao dịch đã được chứng thực bởi blockchain, thì không ai có thể làm giả hay thay đổi thông tin đó, và vì thế người mua có thể hoàn toàn an tâm về nguồn gốc tác phẩm, hay về độ chính xác của thông tin giao dịch.

Chính vì thế mà năm 2018, nhà đấu giá Christie đã chứng thực, nhờ vào blockchain, mọi thông tin liên quan tới vụ mua bán bộ sưu tập Barney A.Ebsword và sau đó cấp cho mỗi người mua một bản “chứng nhận số” xác nhận giao dịch diễn ra.

Hiện nay, hoạt động chứng thực tác phẩm hay bộ sưu tập tác phẩm nhờ vào công nghệ blockchain đã trở nên khá phổ biến. Dưới góc độ này, công nghệ blockchain giúp hạn chế đáng kể các hành vi lừa đảo, bán tác phẩm nhái, tác phẩm “giả mạo”, cũng như đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến chống rửa tiền, hay chống tài trợ khủng bố (dưới vỏ bọc mua bán tác phẩm nghệ thuật).

Thứ hai, cơ chế “hợp đồng thông minh” trên blockchain cũng mang lại những lợi ích đáng kể, như cho phép tự động chuyển cho người mua bản chứng nhận nguồn gốc tác phẩm, giúp quản lý tốt hơn việc cho thuê, cho mượn tác phẩm nghệ thuật để triển lãm, hỗ trợ việc vận chuyển tác phẩm trong những điều kiện cụ thể, cần sự chính xác cao.

Nhờ vào blockchain, các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thông minh cũng sẽ không thể bị thay đổi và hợp đồng sẽ tự động thực hiện khi hội đủ điều kiện định trước, hạn chế những hành vi vi phạm thỏa thuận.

Thứ ba, là đứng về khía cạnh bảo hiểm, thì sự chứng thực nhờ vào blockchain tạo nên một lợi thế không thể phủ nhận cho chủ sở hữu tác phẩm. Hợp đồng thông minh cũng có thể giúp đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm, giúp đền bù nhanh chóng hơn và hạn chế hiệu quả hơn các hành vi lừa đảo.

Nhờ vào khả năng chứng thực, khả năng lưu giữ lịch sử giao dịch một cách hoàn toàn minh bạch và chính xác, công nghệ blockchain rõ ràng có thể làm gia tăng niềm tin trên thị trường tác phẩm nghệ thuật. Không chỉ thế, thực tế gần đây còn cho thấy hoạt động mua bán tác phẩm trên mạng ngày càng phát triển mạnh, nhất là từ khi tiền kỹ thuật số được sử dụng để giao dịch. Hiện nay, có khoảng hơn 20% nền tảng mua bán tác phẩm nghệ thuật đã chấp nhận tiền kỹ thuật số. Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, viện bảo tàng MAK của Áo đã mua một tác phẩm nghệ thuật bằng... bitcoin.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng công nghệ blockchain không phải là không có những hạn chế nhất định. Một mặt, blockchain chỉ có tác dụng với các tài sản trí tuệ đã được số hóa, vì thế sẽ có khó khăn đối với việc chứng thực các tác phẩm “truyền thống”, thể hiện dưới dạng vật chất.

Đồng thời, thông tin trước khi đưa vào blockchain cũng cần phải được kiểm chứng bằng các biện pháp truyền thống (như qua công chứng, chuyên gia kiểm định...) để đảm bảo tính chính xác. Mặt khác, nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật muốn giữ “bí mật” cho những giao dịch mình thực hiện, vì thế thường dùng tên khác, hoặc biệt danh. Điều này lại vô hiệu hóa lợi ích của blockchain, vì nó không cho phép xác định rõ ràng danh tính người mua.

Dưới khía cạnh pháp lý, hiện nay, chưa có bất cứ quy định nào công nhận blockchain như một “cơ quan” chứng thực tác phẩm nghệ thuật hay chứng thực giao dịch. Trong trường hợp tranh chấp trước tòa, thì blockchain cũng chỉ có giá trị pháp lý tương đương các thể loại bằng chứng khác mà thôi.

Vì thế, ở thời điểm này, khó có thể biết trước rằng làn sóng tác phẩm nghệ thuật dạng NFT hay phong trào lưu trữ thông tin giao dịch trên blockchain sẽ sớm nở chóng tàn, hay sẽ tiếp tục tồn tại và tạo nên cách mạng thực sự trên thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật.

Xem thêm: lmth.tauht-ehgn-mahp-cat-nab-aum-gnourt-iht-gnort-gnam-hcac--niahckcolb/424713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Blockchain - cách mạng trong thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools