Sai lầm xả lũ mùa mưa bão
Đặng Đình Cung (*)
(KTSG) - Cứ mỗi khi bão đến là có đập thủy điện xả lũ làm cho người dân sống ở hạ lưu đã khốn khổ vì lũ lại phải chịu đựng thêm nước xả từ đập. Đặc biệt năm ngoái đã có nhiều người chết và bị thương, thiệt hại vật chất lên đến hơn một tỉ đô la Mỹ.
Ở bất cứ quốc gia nào, kể cả ở Việt Nam, thì sinh mạng và tài sản của người dân không thể bị đe dọa vì bất cứ lý do gì. Nói rằng phải xả lũ để tránh đập bị vỡ là không thể chấp nhận được. Bất cứ công trình nào thì cũng phải vững chắc. Nếu có nghi ngờ thì phải củng cố, phá đi xây lại hay bỏ không. Để bảo đảm an toàn thì cứ mười năm một lần người ta trút hết nước trong hồ chứa để kiểm tra tính bền vững của đập.
Người ta không xả lũ để cứu đập mà tại vì mức nước trong hồ chứa đã đạt đỉnh cao nhưng mùa mưa vẫn kéo dài. Nước từ thượng nguồn tiếp tục chảy vào hồ, dâng lên cao hơn ngọn hồ và tràn xuống hạ lưu.
Để kiềm chế việc này và tránh không cho nước chảy xuống làm xói mòn chân đập thì người ta bố trí ở ngọn đập những khe xả, ngày thường có van đóng kín. Khi cần xả lũ thì mở van để hướng nước chảy vào một máng nước. Máng nước này có hình cắt tương tự như một luồng trượt tuyết dùng để cho nước chảy lấy đà mà bắn đi xa khỏi chân đập tránh không làm hủy hoại chân đập.
Trên phương diện kinh tế, người ta xây một công trình thủy lợi để điều tiết nước. Vào mùa khô thì nông dân ở hạ lưu sẵn sàng trả tiền để mua nước mà canh tác. Ngược lại, vào mùa mưa thì nước không có giá trị gì vì từ trên trời rơi xuống. Khi mưa nhiều quá sinh ra lụt lội thì nước mưa đó có giá trị âm.
Nếu vào mùa mưa mà phải xả lũ thì tất cả nước hứng ở thượng lưu chảy xuống hạ lưu như không có công trình cắt lũ, hòa với nước mưa xuống hạ lưu làm cho nạn lụt trầm trọng hơn. Đây là một đe dọa cho sinh mạng và tài sản của cư dân hạ lưu và là một phí phạm kinh tế.
Bây giờ người ta không xây một công trình chỉ có chức năng duy nhất là điều tiết lưu lượng nước mưa. Lợi dụng thế năng của nước chứa trong hồ để sản xuất và bán điện, gia tăng vận tốc hoàn vốn của công trình, nên người ta thường nói về thủy điện chứ ít khi nói về thủy lợi như xưa. Để sản xuất điện thì phải cho nước chảy qua những tuabin. Nước xả qua những khe trên ngọn đập không sinh ra điện.
Trong quản lý sản xuất, người ta tận dụng phương tiện sản xuất cần đến chi phí biến đổi (variable cost) thấp nhất, trước khi chuyển sang phương tiện có chi phí biến đổi tốn kém hơn. Quản lý như vậy thì giá thành trung bình sẽ tối thiểu. Về sản xuất điện, ưu tiên trước tiên là dùng năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng “trời cho”, trước khi chuyển sang nhiệt điện hạt nhân hay hóa thạch. Theo nguyên tắc đó, doanh nghiệp sẽ cho chạy tất cả các tuabin trong nước cho tới khi hồ chứa không còn đủ nước để vận hành, sau đó mới tới các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ năng lượng phải mua.
Năm 2017 Việt Nam sản xuất 227,4 tỉ kWh điện, trong đó 161,1 tỉ kWh là thủy điện. Như vậy có nghĩa là các nhà máy thủy điện chạy trung bình năm tháng mỗi năm. Mùa khô ở Việt Nam kéo dài ít nhất sáu tháng, đủ lâu để cho các hồ thủy điện tuabin hết nước tích trữ từ mùa mưa trước mà vẫn còn có thể điều chỉnh lượng nước chảy qua các tuabin theo nhu cầu nước của nông nghiệp. Một phúc lộc thiên nhiên ban cho ta, nhưng ta bỏ phí khi xả lũ vô tội vạ.
Người ta tính tỷ lệ thỏa mãn chức năng của một công trình thủy lợi bằng thương số dung tích của hồ chứa chia cho tất cả lượng nước mưa chảy xuống thượng lưu của công trình. Nếu vào đầu mùa mưa mà công trình đã phải xả lũ rồi thì có nghĩa là công trình đó vô dụng trong chức năng cắt lũ và chức năng sản xuất điện của nó.
Tốt nhất là tỷ lệ đó bằng 100%, nghĩa là dung tích của công trình đã được thiết kế và xây dựng để chứa tất cả nước ở thượng lưu chảy vào hồ chứa trong suốt mùa mưa. Nhưng thực tế thì thường dung tích đó nhỏ hơn, đó là kết quả của một tính toán tối ưu giữa vốn cần thiết để xây một công trình, giá trị của những thiệt hại cho người dân ở hạ lưu và giá trị của thất thu gây ra vì phải xả lũ.
Trong trường hợp này, người ta sẽ di dời cư dân đến sinh sống ở một nơi an toàn, đặt một hệ thống còi báo động báo trước đập sẽ xả lũ để người dân có thời gian rời khỏi những nơi có khả năng bị lụt và sau mùa mưa thì chủ nhân công trình bồi thường những thiệt hại vật chất gây ra bởi việc xả lũ đó.
Dù sao, nếu các hồ thủy điện cứ phải trút hết nước trong hồ chứa xuống hạ du trong mỗi trận mưa bão, thay vì tính toán để tích trữ tối đa lượng nước đó lại, chẳng những làm khổ đau người dân vùng hạ du mà còn lãng phí nguồn nước trời cho có giá trị kinh tế cho nông nghiệp và sản xuất điện.
Mượn lời Bá tước Boulay de la Meurthe để nói về trường hợp này thì “xả lũ vào mùa mưa còn tệ hơn là một tội lỗi, đó là một sai lầm về mặt kinh tế” (c’est pire qu’un crime, c’est une faute).
(*) Kỹ sư tư vấn
Xem thêm: lmth.oab-aum-aum-ul-ax-mal-ias/124713/nv.semitnogiaseht.www